1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đại sứ quán Hàn Quốc cảnh báo tình trạng môi giới lao động thời vụ

Hải An

(Dân trí) - “Ngoài chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ sang Hàn làm việc”.

Đây là một trong những cảnh báo của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về tình trạng môi giới lao động thời vụ được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục vào ngày 11/8.

Trong thông tin cảnh báo, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Chương trình phái cử lao động thời vụ dành cho người nước ngoài là chương trình mời và tuyển chọn người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp sang làm việc tại các nông/ngư gia trong thời gian khoảng 90 ngày (visa C-4) hoặc 5 tháng (visa E- 8).

Đây là chương trình mà lao động thời vụ nếu làm việc trung thành có thể được mời và phái cử sang Hàn Quốc liên tục hàng năm.

Theo chương trình này, chính quyền địa phương của Hàn Quốc trực tiếp trao đổi với chính quyền địa phương nước ngoài và ký kết Bản ghi nhớ về phái cử lao động thời vụ. Sau đó tuyển chọn người nước ngoài của địa phương bên nước ngoài làm lao động để tham gia vào các hoạt động thời vụ ở địa phương bên Hàn Quốc.

Tất cả các thủ tục như ký kết Bản ghi nhớ, tuyển chọn lao động thời vụ được thực hiện trực tiếp bởi chính quyền địa phương của hai nước. Hướng đến tính minh bạch và công bằng, chương trình tuyệt đối nghiêm cấm sự can thiệp hoặc môi giới của cá nhân hay tổ chức bên ngoài, do đó có thể cắt giảm các chi phí không cần thiết, phòng chống việc bỏ trốn và đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế cho người lao động.

Đại sứ quán Hàn Quốc cảnh báo tình trạng môi giới lao động thời vụ - 1
Chương trình giúp nông dân có thêm thu nhập và nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. (Ảnh minh họa - Dolab.gov.vn)

Ngoài chính quyền địa phương, mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi chiêu mộ, tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ, không được ủy quyền, do đó, không thể nhận bất cứ khoản lệ phí nào. Nếu vi phạm nội dung này, chính quyền địa phương, hoặc người nước ngoài sẽ không thể tham gia vào chương trình phái cử lao động thời vụ tiếp theo.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cảnh báo, trong thời gian gần đây, liên tiếp có tin báo gửi đến Đại sứ quán Hàn Quốc về việc một tổ chức với tên gọi Hiệp hội giao lưu văn hóa kinh tế thế giới (ECI) đã mạo danh là đoàn thể có quyền hạn đối với công tác phái cử lao động thời vụ.

Tổ chức này đã đưa ra những nội dung sai sự thật, tiếp xúc với doanh nghiệp tư nhân trong nước, chính phủ ngoài nước, chính quyền địa phương, đại sứ quán và doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để môi giới lao động thời vụ.

“Ngoài chính quyền địa phương, không bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào có quyền can thiệp hoặc môi giới, do đó các công dân Việt Nam cần đặc biệt chú ý để không phải chịu thiệt hại đáng tiếc nào xảy ra”, thông báo của Đại sứ quán Hàn quốc nêu rõ.

Trong thông báo, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam lưu ý: Các chính quyền địa phương có quan tâm đến chương trình phái cử lao động thời vụ và ký kết Bản ghi nhớ với chính quyền địa phương bên Hàn Quốc hãy gửi thông tin tên địa phương, cán bộ phụ trách, số liên lạc, địa chỉ email, thông tin khái quát về địa phương (đính kèm công văn bằng tiếng Anh) theo địa chỉ email chính thức (yoohee@korea.kr) của Cơ quan quản lý chính sách nhập cảnh và người nước ngoài Hàn Quốc (KIS).
Mọi thắc mắc liên hệ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán sẽ tích cực hỗ trợ.

 Ưu tiên tuyển lao động nghèo sang Hàn làm việc

Ngày 4/8, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản số 2915/LĐTBXH-QLLĐNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Trong văn bản, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương tuyển chọn đúng đối tượng đáp ứng các yêu cầu đối với người lao động trong Thỏa thuận ký kết. Đặc biệt ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.