1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đại diện BHXH VN: “Quỹ BHYT luôn nằm trong tầm kiểm soát”

(Dân trí) - “Nguồn tài chính kết dư từ công tác quản lý Quỹ BHYT từ năm 2010 tới nay luôn đảm bảo việc tăng giá dịch vụ không làm ảnh hưởng tới người có thẻ BHYT. Mức đóng BHYT trước năm 2017 sẽ chưa thay đổi, hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân”.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, trao đổi với PV Dân trí về tình hình hoạt động quỹ BHYT. Theo đó, công tác quản lý quỹ BHYT luôn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí nguồn kết dư tài chính còn giúp quỹ đảm bảo cho các đợt tăng giá dịch vụ BHYT dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2017 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC.

Theo BHXH VN, khoảng 80 % dân số đã tham gia BHYT, đây là kết quả phát triển nhanh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, BHXH VN đang thực hiện nhiều biện pháp để phát triển đối tượng tham BHYT mới trong các năm tới.

Đại diện BHXH VN: “Quỹ BHYT luôn nằm trong tầm kiểm soát” - 1

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. BHXH Việt Nam ước tính trong năm 2016, cả nước sẽ bội chi khoảng 5.000 tỷ đồng.

Những nguyên nhân chính của việc gia tăng đột biến chi phí là: Gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT, quỹ khám chữa bệnh BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế- Tài chính; thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc…

“BHXH VN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT” - ông Phạm Lương Sơn nói.

“Bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng chống gian lận, lạm dụng quỹ BHYT. BHXH VN kiên quyết không thanh toán những chi phí khám chữa bệnh bất hợp lý của các cơ sở khám chữa bệnh” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Được biết, BHXH VN đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; triệu tập họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.

Phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX (cùng với BYT đang kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình.

Đại diện BHXH VN cho biết, hệ thống BHXH đã và đang tăng cường việc rà soát, thẩm định lại chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường. Quản lý dữ liệu chặt chẽ, kịp thời theo dõi biến động chuyển đi, chuyển đến của bệnh nhân, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú nhưng vắng mặt không lý do.

BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT; Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện liên thông dữ liệu để tới đây sẽ áp dụng giám định điện tử.

“Quỹ BHYT, BHXH được Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh”

Trong buổi giao lưu trực tuyến về quản lý Quỹ BHYT và BHXH tại Cổng thông tin Chính phủ hôm 12/10, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh về khả năng an toàn quỹ BHXH và BHYT:

"Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Tôi cũng đã nói nhiều lần: Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, Luật BHXH năm 2014 đã quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Trong thực tế, chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5 % lương cơ sở. Trong khi đó, mức trần đóng cho phép lên tới 6 %. Như vậy, phần “dư địa” này sẽ giúp chúng ta cân đối. Phần đóng tăng lên là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao để đảm bảo”.

Hoàng Mạnh