Đã hết thời lao động giá rẻ

Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng nhân công theo lối cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc dựa trên nhân công trình độ thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Chính phủ chỉ trì một hội nghị về kỹ năng lao động. Điều đó cho thấy sự cấp thiết của việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới.

Trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với nhiều lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, dữ liệu lớn/phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật... đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt nam một vấn đề.

Nếu cứ phát triển kinh doanh theo lối cũ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc dựa trên việc sử dụng nhân công trình độ thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần dần bị tụt hậu dẫn đến phá sản.

Đã hết thời lao động giá rẻ - 1
Việt Nam không nên tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để phát triển mà cần tăng năng suất lao động.

Thống kê của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong giai đoạn 8 năm qua, năng suất lao động của nước ta tăng bình quân 4,8%/năm. Theo đó, chỉ số này cao hơn mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan...

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Năng suất lao động của Việt Nam năm ngoái  chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành nêu thực tế, trình độ công nghệ thấp, hiện lực lượng lao động giá rẻ không có kỹ năng của chúng ta vẫn còn rất lớn - đây đang là vấn đề đáng phải suy ngẫm, khiến chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực: "Môi trường làm việc, điều kiện làm việc mật độ sử dụng công nghệ còn thấp, cũng như tay nghề, kỹ năng của người lao động còn thấp điều đó giải thích vì sao mà hiện thu nhập của chúng ta hiện nay vẫn còn thấp, thấp nhất trong các nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và đối với khu vực Châu Á nói chung. Lực lượng lao động rẻ không có kỹ năng của chúng ta vẫn rất lớn và khu vực này đang nằm kẹt ở khu vực nông thôn, khu vực nông nghiệp chẳng hạn, và không dịch chuyển sang ngành có năng suất cao hơn. Đây là vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam rất nghiêm trọng, nhức nhối".

Rõ ràng, chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động lạc hậu là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động của quốc gia còn thấp; trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động.

Do đó, để thu hẹp về năng suất lao động so với các nước, yêu cầu đặt ra cho nước ta đó là phải nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp, tức là tăng năng suất nội ngành, thay vì tăng năng suất qua chuyển dịch cơ cấu lao động.

Song song với đó là phải nâng cao chất lượng đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ công nhân lao động có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao.

Bởi, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta không thể ở trình độ gia công mãi như hiện nay. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực lao động chất lượng cao là một nhiệm vụ quan trọng.

Là một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Lavifood cho biết, để nâng cao trình độ người lao động thì không có cách nào khác là thông qua đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đầu tư công nghệ mới.

Mặt khác, từng cá nhân phải tự nâng cao trình độ của mình. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, công ty cùng đào tạo và kết hợp chính sách của nhà nước và phải gắn với thực tiễn thì doanh nghiệp mới phát triển được.

"Chúng tôi cố gắng đào tạo lao động đầy đủ thao tác, kỹ năng chuẩn và việc này được doanh nghiệp triển khai thường xuyên đào tạo về quy trình sản xuất giúp cho người lao động xử lý chính xác trong suốt quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả công việc. Lao động có tay nghề, có ý thức trong trong công việc, đạo đức thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Qua đó, để  nâng cao hiệu quả công việc, khi đó sản phẩm làm ra mới cạnh tranh với thị trường", ông Dũng cho biết.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp phải hướng tới phát triển nhanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, có những sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế hướng tới đa dạng hóa.

Chính vì vậy, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ không còn mà thay vào đó là lực lượng lao động có trình độ, trí tuệ, có tay nghề để vận hành được những công nghệ hiện đại: "Những mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư thì phải là những mô hình tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc là phương thức sản xuất sản phẩm mới hay phương thức cung cấp sản phẩm mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, bản chất của mô hình kinh doanh mới không dựa trên sức lao động giá rẻ và tài nguyên mà chủ yếu dựa trên khai thác trí tuệ, công nghệ mới".

Theo các chuyên gia, muốn tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên… trước mắt, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn.

Đồng thời, cần thiết phải phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Song song với đó, Nhà nước cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển nguồn lao động chất lượng cao thời gian tới.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp; Xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0 để bắt kịp với yêu cầu trong tình mới hiện nay.

Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN