1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân mất việc làm, nợ chồng chất vì vay tiền qua app

Do Covid-19, có những gia đình chồng mất việc, vợ bị giảm giờ làm khiến họ lâm vào cảnh khó khăn. Ngoài ra, những công nhân lớn tuổi càng khó khăn hơn khi không thể tìm được việc làm mới.

Công nhân mất việc làm, nợ chồng chất vì vay tiền qua app - 1

Do Covid-19, có những gia đình chồng mất việc, vợ bị giảm giờ làm khiến họ lâm vào cảnh khó khăn. Ngoài ra, những công nhân lớn tuổi càng khó khăn hơn khi không thể tìm được việc làm mới.

“Chắc chắn sẽ khó khăn”

Từ nhiều tháng qua, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Trường Giang và chị Cao Thị Mỹ Hạnh - công nhân (CN) Công ty (Cty) TNHH May Thời trang Gia Phú (quận Tân Phú, TPHCM) - trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Giang đã bị mất việc, còn chị Hạnh may mắn chưa bị mất việc nhưng cũng phải giãn cách việc làm.

Chị Hạnh kể, trước đây, chồng chị làm CN điện của Cty, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng, còn thu nhập của chị khoảng 7 triệu đồng. Với thu nhập đó, hai vợ chồng cũng đủ tiền thuê nhà trọ và nuôi con ăn học.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Giang đã phải nghỉ việc. “Công việc chính của chồng tôi hiện nay là chạy xe ôm, còn nếu có ai kêu đi sửa điện thì đi, thu nhập rất bấp bênh” - chị Hạnh chia sẻ. Trong lúc đó, chị Hạnh cũng phải giãn việc, một tuần chỉ làm khoảng 4, 5 ngày, nên thu nhập giảm xuống còn 4-4,5 triệu đồng/tháng, khiến gia cảnh hết sức khó khăn. 

Đã 5 ngày qua, kể từ khi Cty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TPHCM) thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), anh Trần Thanh Luân - CN Bộ phận Đế, Khu Y - vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sẽ không còn được làm ở Cty nữa.

Anh Luân kể, cả hai vợ chồng anh đều quê ở miền Tây, vào làm cho Cty nhiều năm, rồi gặp nhau nên duyên vợ chồng. Trước Tết, vợ anh đã nghỉ việc ở nhà. Còn anh, làm cho Cty từ tháng 9.2011, mới đây thì bị chấm dứt HĐLĐ.

Ngay sau khi anh được thông báo chấm dứt HĐLĐ, cả hai vợ chồng đều đăng ký đi làm nhân viên cho một Cty giao hàng thông qua phần mềm điện tử.

Anh Luân cho biết: “Vợ tôi đăng ký phân loại hàng trong kho được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Còn với tôi, Cty nói nếu chịu khó đi làm cả ngày cũng được 7,8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, Cty không có hỗ trợ xăng xe, điện thoại, cũng không đóng các loại bảo hiểm, nên chắc chắn sẽ khó khăn”. 

Tương tự, chị Phạm Thị Lùng (quê ở Đức Hòa, Long An) - nhân viên tạp vụ khu C của Cty PouYuen - mới bị chấm dứt HĐLĐ ngày 20.6 vừa qua - nói rằng, lúc còn làm việc, tiền lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Khi nghỉ việc, chị được Cty trợ cấp hơn 80 triệu đồng cho 11 năm làm việc cho Cty.

“Năm nay, tôi đã 54 tuổi, cũng chẳng còn xin làm được cho Cty nào nữa nên chắc chắn sẽ không có tiền lương hằng tháng. Tôi dự định dành số tiền trợ cấp của Cty mua thêm bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được ít năm, rồi sau này nếu đủ điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng thì tốt, không thì cũng coi như của để dành đến lúc cần thì sẽ lấy ra chi tiêu” - chị Lùng chia sẻ. 

Vay tiền qua app, nợ chồng chất mất khả năng chi trả

Tại Bình Dương, dù chưa có trường hợp nào nhiễm SARS-CoV-2, song do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Châu Âu, Mỹ nên khá nhiều doanh nghiệp (DN) phụ thuộc vào thị trường ở đây chưa xuất hàng đi được hoặc không có thêm được đơn hàng.

Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, vì vậy một bộ phận NLĐ tiếp tục đối diện với nguy cơ mất việc, thiếu việc làm.

Theo thống kê của LĐLĐ Bình Dương, đến đầu tháng 6.2020, khoảng 200.000 công nhân lao động (CNLĐ) ở gần 300 DN bị ảnh hưởng. Trong đó, 12.586 trường hợp bị chấm dứt HĐLĐ, 52.968 trường hợp bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương, 83.536 trường hợp bị giảm giờ làm. 

Dịch bệnh kéo dài, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, gặp khó khăn, một số CNLĐ ở Bình Dương để đảm bảo cuộc sống đã trót vay tiền qua app để chi tiêu. Chị Lê Thị Châu (23, tuổi, làm CN Cty may mặc tại TP.Thuận An, Bình Dương) là một trong những nạn nhân của việc vay tiền qua app. Tháng 3.2020, do thiếu tiền mua thuốc chữa bệnh, chị Châu đã “bị dụ” vay tiền qua app. 

“Tôi nhận được tin nhắn với nội dung cho biết được hỗ trợ 5 triệu đồng và đề nghị vào đường link app để cài đặt nhận tiền vay. Ban đầu nghĩ vay ít lấy tiền chi tiêu đỡ, ít bữa sẽ trả được. Tuy nhiên, đến hạn nhưng chưa có lương, tôi lại phải vay app mới để trả nợ app cũ. Cứ thế, trong một thời gian ngắn, tôi vay tất cả 20 triệu đồng (nhưng cứ vay 2 triệu đồng thì chỉ được nhận 1,2 triệu đồng, còn 800.000 đồng là tiền phí, lãi suất đóng trước). Thực tế, tôi chỉ nhận được 15 triệu đồng. Trong 2 tháng, tôi trả cho app vay tất cả 35 triệu đồng. Như vậy, ngoài tiền gốc, tôi đã đóng thêm 20 triệu đồng gồm tiền lãi và tiền phạt. 

Nghĩ đóng chừng đó tiền đã đủ, nhưng các đối tượng cho vay tiếp tục báo phải nộp thêm tiền lãi, phí phạt chậm đóng. Do phải vay đắp đổi liên tiếp để trả nợ app vay, nên bây giờ tôi đã không còn tiền để trả. Ngoài ra, để trả tiền cho app, tôi lại phải vay ngân hàng và vay người thân. Đến bây giờ, số tiền nợ lên đến hơn 30 triệu đồng vẫn chưa trả được” - chị Châu nói. 

Theo tìm hiểu, chị Châu phải tự lập từ sớm. Bố mẹ ly dị nên chị Châu ở với bà nội. Bà mất nên 3 năm nay, chị Châu rời quê Nghệ An vào Bình Dương tìm việc làm để mưu sinh.

Dịch bệnh khiến Cty giảm giờ làm, thu nhập cũng giảm, lại vướng bẫy vay tiền qua app khiến chị Châu lâm vào khủng hoảng. Hiện, cách duy nhất nữ CN này có thể làm được là chi tiêu tằn tiện để gom góp trả nợ cho ngân hàng.

Bị mất việc khi đã lớn tuổi, công nhân không tìm được việc làm

Tại tỉnh Đồng Nai, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hàng loạt công ty từ nhỏ đến lớn phải tiến hành cắt giảm lao động. Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 31.5, toàn tỉnh có 219 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất do dịch bệnh Covid-19 và trên 100.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập.

Ngày 23.6, chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, chị Trần Thị Hiệp (50 tuổi, ngụ TP.Biên Hoà, Đồng Nai) đến nay vẫn chưa xin được việc làm sau khi công ty cho nghỉ việc và chỉ được hưởng 2 tháng lương trợ cấp hơn 8 triệu đồng.

Chị Hiệp cho biết, trước đây, chị làm công nhân Công ty TNHH Tomiya Summit Garment Export (KCN Long Bình, TP.Biên Hoà, Đồng Nai), công việc ổn định với mức lương cao do đã có hơn 13 năm làm việc tại công ty. Nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, chị cùng nhiều đồng nghiệp khác bị cắt giảm lao động.

“Hiện nay, tôi đã 50 tuổi rồi. Tôi đã thử đi xin việc một số nơi nhưng họ không nhận do tôi đã lớn tuổi. Thậm chí, tôi đi xin làm tạp vụ song các công ty cũng không nhận vì họ chỉ tuyển lao động tới 45 tuổi. Tôi chỉ còn trông chờ vào các khoản trợ cấp của nhà nước để lấy tiền trang trải học phí cho con cái” - chị Hiệp chia sẻ.

Theo Hà Anh Chiến

Lao động