Cơ sở giáo dục công lập được trích lại 5% tổng thu Quỹ BHYT

(Dân trí) - Bên cạnh số đông triển khai tốt, một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng không tuyên truyền rõ cho phụ huynh học sinh biết đầy đủ ý nghĩa của việc thu BHYT. Thậm chí vẫn còn nhiều người nhầm lẫn vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại.

BHYT hoc duong.jpg

Ảnh minh hoạ

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng sớm được triển khai BHYT bắt buộc từ 1/1/2010, theo quy định tại Luật BHYT năm 2008.

Để đảm bảo công tác phối kết hợp giữa ngành BHXH và Giáo dục đào tạo, nhiều quy định về trách nhiệm giữa 2 bên đã được ban hành. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành quy định cụ thể về việc trích lại kinh phí để cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân triển khai chính sách BHYT.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 33 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Theo đó, mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).

Cơ sở pháp lý trong triển khai BHYT học đường

- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, quy định rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

- Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

- Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, theo đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT học sinh, sinh viên...

Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT học sinh, sinh viên, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định. 

Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm. Năm 2010, số kinh phí trích lại là hơn 200 tỷ đồng, đến các năm gần đây, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt khoảng 600 tỷ đồng.

Quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và HSSV nói riêng khi tham gia BHYT cũng được mở rộng, đặc biệt từ ngày 1/1/2016. Đồng thời, quy định thông tuyến huyện trong việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT đã tạo nhiều thuận lợi cho, trong đó có học sinh, sinh viên.

Nhiều bệnh nhân là học sinh đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo; phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Thực tế cho thấy, trước thềm năm học mới hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn quán triệt, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp triển khai nghiêm túc BHYT học sinh, sinh viên, bao gồm cả công tác thu và tổ chức thực hiện y tế học đường. 

Theo đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên.

Phối hợp với cơ quan BHXH tại địa phương vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của Quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT và các quy định về quản lý tài chính hiện hành.

Tham mưu đề xuất UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về BHYT trong các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.

Thực trạng còn tồn tại trong triển khai BHYT học đường

Trong triển khai thực tế, một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng không tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh học sinh biết với việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình, giáo viên và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em học sinh. Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước. Thậm chí, nhiều người còn đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. 

P.M