1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Có nên cạnh tranh chức phó phòng với đồng nghiệp khéo ứng xử?

(Dân trí) - Phòng kinh doanh đang thiếu 1 phó phòng. Tôi và Dũng là các ứng viên duy nhất. Nhưng tôi có nên cạnh tranh tiếp không, khi mình không thuộc diện ưu ái của vị trưởng phòng. Tôi có thế mạnh về nghiệp vụ nhưng “đối thủ” quan hệ khéo léo, được lãnh đạo phòng có ý đề bạt.

Tôi nên cạnh tranh hay buông xuôi? (Ảnh minh họa)
Tôi nên cạnh tranh hay buông xuôi? (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 12, vị phó phòng kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp khác tại TPHCM. Ban giám đốc cần ngay nhân sự thế chỗ để đảm bảo kế hoạch cuối năm. Theo thông lệ, công ty sẽ ưu tiên việc đề bạt nhân sự trong phòng. Nếu không có, công ty tiếp tục tìm kiếm bên ngoài.

Tôi và Dũng đều là trưởng 2 bộ phận khác nhau trong phòng. Chúng tôi đều được Ban giám đốc gọi lên để hỏi về quan điểm làm việc, nguyện vọng nếu nhận chức vụ phó phòng.

Thực lòng, vị trí phó phòng là điều tôi mơ ước. Bởi đây là sự thăng tiến tất yếu theo lộ trình nghề nghiệp.

Tôi thầm so sánh những ưu - nhược so với “đối thủ” cùng phòng.

Về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệp xử lý tình huống, tôi tự tin cho rằng mình hơn Dũng. Điều này được chứng tỏ ở nhiều trường hợp khó xử lý hoặc đàm phán các nội dung hợp đồng với khách hàng, tôi thường lãnh đạo phòng và Ban giám đốc giao để xử lý.

Dũng cũng có lần thừa nhận với tôi về yếu điểm này trong một lần ngồi nhậu cách đây hơn 1 năm.

Tuy nhiên sau 1 năm, Dũng cũng có nhiều điểm mạnh để là “đối thủ” đáng gờm. Tôi thua Dũng ở khả năng quan tâm tới người khác, đặc biệt là với các sếp trưởng - phó phòng. Những việc đơn giản như nhà có người ốm, cần mua sắm thứ gì hoặc sinh nhật người thân của các sếp, Dũng đều chu đáo hơn tôi.

Trong phòng, Dùng luôn giữ quan hệ tốt và chịu nhường với mọi người.

Đến thời điểm này, Dũng đang có mối quan hệ thân thiết với vị trưởng phòng đương nhiệm - người có tiếng nói quan trọng trong việc giới thiệu cấp phó mới trước Ban giám đốc.

Lúc đầu, tôi hy vọng vị trưởng phòng sẽ có sự rạch ròi giữa công việc và tình cảm. Nhưng “điểm sáng” trên có lẽ khó tìm thấy ở anh ta trong thời điểm này. Qua một số người có thiện chí ở Công ty, tôi được biết trưởng phòng vừa đề xuất với Ban giám đốc cho Dũng một thời gian thử thách để đảm nhận vị trí phó phòng.

Ban giám đốc có lẽ còn phân vân điều gì đó. Chính vì vậy, tôi và Dũng mới được lần lượt gọi lên để phỏng vấn…

Câu chuyện về thăng tiến của tôi là như vậy.

Trong thâm tâm, tôi thực sự muốn đảm nhận vị trí phó phòng. Nhưng liệu có thể vượt qua ứng viên đầy tiềm năng kia không? Chưa kể việc phải ứng xử ra sao với vị trưởng phòng không có nhiều ưu ái với mình?

Nếu Dũng được bổ nhiệm làm phó phòng, tôi không biết phải ứng xử ra sao với 1 người có năng lực không hơn mình là lãnh đạo? Có lẽ, lúc đó tôi sẽ phải chọn phương án ra đi!

“Còn nước, còn tát”, một số bạn thân khuyên tôi nên đặt thẳng vấn đề tự ứng cử với Ban giám đốc hoặc trao đổi thẳng thắn với vị trưởng phòng để có sự hiểu biết lẫn nhau hơn.

Thực lòng, tôi đang rất phân vân về những điều sẽ phải làm.

Rất mong các bạn chia sẻ cho tôi một lời khuyên.

Phan Minh (Đống Đa, Hà Nội)