1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều

(Dân trí) - Thợ xây là một công việc vất vả, nặng nhọc và luôn có nguy hiểm rình rập. Dù đồng lương khiêm tốn, nhưng vì cuộc sống mưu sinh những người thợ xây dựng dân dụng vẫn chấp nhận bám trụ lấy nghề.

Nghề "ráo mồ hôi là hết tiền"

Anh Nguyễn Văn Hà (45 tuổi, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) đã có 20 năm trong nghề thợ xây. Anh không nhớ hết đã xây dựng bao nhiêu căn nhà trong suốt ngần ấy năm làm thợ.

"Một ngày công, tôi được trả 300.000 đồng. Tháng nào không có mưa gió phải giảm việc hay ốm đau, nghỉ do giỗ chạp, tôi làm được 30 công với số tiền là 9 triệu đồng” -  anh Hà chia sẻ.

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều - 1

Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng đồng lương của những người thợ xây lại ít ỏi

Ban đầu, anh Hà gia nhập đội thợ trong thôn rồi đi xây trong xã ngoài làng. Dần dần, đội thợ của anh Hà đi xây ở các tỉnh khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định... Cứ ở đâu chủ thầu nhận được công trình, anh khăn gói lên đường.

“Ai bắt đầu với nghề này đều phải làm phụ hồ trước, để quen với cách cầm gạch, cầm dao, bay. Trong lúc phụ vữa cho thợ cả thì nhìn theo để học cách xây, cách trát, phải mất 2 - 5 năm mới lên làm thợ chính được” - anh Hà tâm sự.

Mỗi công trình thường kéo dài từ 4 tháng đến 1 năm nên anh và mọi người ăn ở tạm bợ tại công trình luôn. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, anh Hà gửi về quê được khoảng 6 triệu đồng.

Tuy làm công việc chân tay nặng nhọc, thế nhưng người thợ xây phải cực kỳ khéo léo và tinh tế mới có thể đem lại sự thẩm mỹ cho ngôi nhà. Nhất là công đoạn hoàn thiện, mọi thứ phải đạt độ chính xác tối đa mới có thể làm lên thương hiệu của nhóm thợ.

Cùng đội thợ với anh Hà là chị Nguyễn Thị Thuý đã có 12 năm làm phụ hồ. Mỗi ngày công của chị Thuý được trả 200.000 đồng.

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều - 2

Chị Thuý đã có thâm miên 12 năm  trong nghề làm phụ hồ

“Đi làm hôm nào sẽ được chủ thầu chấm công hôm ấy, nhiều hôm ốm hay mệt mỏi vẫn phải gượng dậy để đi mới có tiền cho con ăn học. Hôm nào tôi không đổ mồ hôi là hôm đó không có tiền” ” - chị Thuý tâm sự.

Cũng theo chị Thuý, năm nay dịch Covid-19, tiền công của thợ xây cũng bị trả chậm đi. Mọi năm đến thời điểm này đã có nhiều công trình đặt thợ làm cho năm sau, năm nay chỉ còn những công trình cũ đang hoàn thiện nốt.

Đội thợ của anh Hà, chị Thuý có 14 người độ tuổi từ 25 đến 50 tuổi. Theo anh Hà, nhiều người làm đến tuổi 50 hay 55 tuổi là nghỉ. Phần vì tuổi già nên thợ không leo trèo được và không còn đủ sức khoẻ để phục vụ công việc, năng suất lao động không cao nên chủ thầu cũng chẳng giữ nữa.

Muôn vàn nguy hiểm rình rập

Nghề thợ xây dân dụngcó những tính đặc thù riêng, thường xuyên đối mặt với những tai nạn rủi ro gây thương tích lớn hoặc tử vong và căn bệnh mang tính chất nghề nghiệp là dị ứng với xi măng.

Công tác bảo hộ và an toàn lao động thường gặp nhiều khó khăn do tính đa dạng của các công trình và tai nạn rủi ro xảy ra với các hoàn khác nhau.

Anh Trần Đức Hùng 40 tuổi quê ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết: “Hơn 10 năm đi làm nghề, tôi đã 1 lần bị ngã gãy tay vào năm 2016. Còn tai nạn vặt thì là chuyện thường ngày”.

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều - 3

Chiếc thang chắp vá do bị gãy là công cụ giúp anh Hùng làm việc trên cao

Anh Hùng liệt kê hàng loạt những tai nạn thường gặp như dẫm vào đinh, trật khớp, gạch vữa rơi vào người là chuyện thường tình. Nghiêm trọng hơn có thể là ngã giáo, hay đứt dây cẩu mà kéo cả người từ tầng cao rơi xuống...

“Làm nghề này, ngoài tỉ mỉ ra thì phải biết vận dụng sức khoẻ và sự khéo léo để giảm thiểu tai nạn lao động. Đang leo trên giàn giáo mà có dấu hiệu mệt mỏi hay chóng mặt chúng tôi phải lập tức xuống ngay, còn nếu không may mà ngã thì cũng đành phải chịu” - anh Hùng tâm sự.

Không ít lần, anh Hùng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Thế nhưng cũng gắn bó với nghề này hơn chục năm, giờ bỏ chẳng biết làm gì nữa.

Còn anh Lê Duy Hải (22 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) đang học nghề thợ xây. Đi theo cánh thợ trong làng đã 2 năm nay, anh vẫn giữ nhiệm vụ làm thợ phụ.

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều - 4

Không dùng bất cứ hình thứch bảo hộ lao động nào trong khi nguy hiểm luôn rình rập

Theo anh Hải, do không có sự ràng buộc nào với chủ thầu và chủ nhà, nên khi gặp tai nạn, thợ xây phải gánh chịu tất cả những thiệt thòi. Cách tốt nhất để hạn chế tai nạn là chính bản thân người thợ phải có ý thức phòng tránh, cẩn thận trong công việc xây dựng.

“Những tai nạn hay ốm đau tại công trường phải cực kỳ hạn chế vì sẽ làm ảnh hưởng đến cả đội thợ mà hôm ấy sẽ không được tính công” - anh Hải tâm sự.  

Mùa mưa cũng là lúc nguy hiểm rình rập người thợ xây nhiều nhất, khi mà mưa làm nước xi măng mới trở nên trơn trượt. Thường thì những ngày mưa cánh thợ xây sẽ làm việc trong nhà.

Chuyện nghề thợ xây, thu nhập ít nguy hiểm nhiều - 5

Những ngày mưa thợ xây sẽ làm việc trong nhà để giảm thiểu tai nạn 

Làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng hầu hết những người làm nghề thợ xây tự do đều không có biện pháp an toàn, cũng khó có hợp đồng lao động.

Nhiều người thợ xây hiểu sai khi cho rằng, việc thắt dây an toàn sẽ khiến người bị gò bó không linh hoạt trong công việc. Đành rằng công việc của thợ xây phải liên tục đứng lên, ngồi xuống, nhặt gạch, đón vữa và di chuyển.