1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện ghi ở nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến

Hải An

(Dân trí) - Mẹ Xuyến còn nhớ, anh Vở từng giấu gia đình đăng ký đi bộ đội, chuyện lén bỏ đá vào túi quần để đủ cân nặng khám sức khoẻ, cả chuyện anh Vở lo không dám báo tin ngày lên đường …

Chuyện ghi ở nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến - 1

Mẹ Nguyễn Thị Xuyến (bìa trái) và người con dâu bà Trịnh Thị Hằng. (Ảnh: Hải An)

Niềm vui của mẹ

Căn nhà nhỏ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1932, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày cuối tháng 7/2020 ấm cúng và rộn rã tiếng nói cười.

Con dâu mẹ Xuyến - bà Trịnh Thị Hằng - đang giúp mẹ mặc bộ áo dài mới để chuẩn bị dự Lễ Gặp mặt đại biểu bà mẹ Việt Nam anh hùng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Mẹ Xuyến mân mê, ngắm bộ áo dài rồi lại vội vàng giục con thay áo ra: “Con treo lên cho mẹ. Để đến hôm gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ mặc cho mới”.

Chuyện ghi ở nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến - 2

Mẹ Xuyến vinh dự lên nhận quà của Thủ tướng. (Ảnh: Hữu Nghị)

Mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất. Ngày 24/7, mẹ Xuyến được gặp gỡ nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã vào Lăng viếng Bác, dự Lễ gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc 2020, hôm 25/7 tại Hà Nội.

Tới dự chương trình, mẹ Xuyến được mời lên khán đài để nhận quà tặng từ Thủ tướng Chính phủ.

Khoảng cách giữa các nỗi đau…

Trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ Nguyễn Thị Xuyến có 2 người con là liệt sĩ. Theo bà Trịnh Thị Hằng, lúc còn minh mẫn, mẹ Xuyến vẫn thường kể cho con cháu trong nhà nghe chuyện về các anh.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mâu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn khốc liệt. Trong không khí sục sôi đó, người con trai lớn của mẹ Xuyến là Nguyễn Văn Vở đã giấu gia đình việc đi khám tuyển nhập ngũ.

Lo không đủ cân nặng như quy định, anh Nguyễn Văn Vở còn lén bỏ thêm đá vào túi quần. Ngày được tin báo trúng tuyển, anh Vở vừa mừng vừa lo. Anh lo không biết mẹ có đồng ý không. Đắn đo mãi anh mới dám báo với mẹ.

Me Nguyen Thi Xuyen mac ao dai moi.JPG

Mẹ Nguyễn Thị Xuyến mặc chiếc áo dài mới. (Ảnh: Hải An)

Biết chuyện, mẹ Xuyến đã tôn trọng và ủng hộ quyết định của anh. Sự động viên, khuyến khích của người mẹ đã tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm cho anh Vở lên đường nhập ngũ.

“Thời gian sau, mẹ tôi theo dõi từng thông tin về anh Vở qua thư gửi về. Mẹ vừa vui mừng, tự hào trước những chiến công của anh Vở cùng đồng đội. Nhưng mẹ cũng âu lo trước sự ác liệt ngày càng gia tăng của chiến tranh”, bà Hằng chia sẻ.

Ngày 12/5/1972, mẹ Nguyễn Thị Xuyến nhận được tin anh Vở hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ khi mới 19 tuổi.

Tháng 1/1973, người con thứ hai của mẹ Xuyến là anh Nguyễn Huy Phong nhập ngũ. Mẹ lại thêm một lần nén nỗi âu lo, động viên anh vững bước lên đường.

Rồi lại 2 năm sau, ngày 18/1/1975, người con trai thứ hai của mẹ Nguyễn Thị Xuyến hy sinh tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh trong một trận chiến ác liệt. Hai lần tiễn con đi, hai lần trở về bên mẹ chỉ là những dòng tin báo tử…

Vượt lên

Người con dâu của mẹ Xuyến kể: “Sau tin dữ, mẹ gượng dậy rất nhanh. Bà đã biến đau thương thành hành động. Mẹ làm việc nhiều hơn trước và bận rộn để không còn thời gian nghĩ đến nỗi đau…”.

Chuyện ghi ở nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến - 4
UBND phường Minh Khai phối hợp với trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội thăm hỏi, chúc Tết mẹ Nguyễn Thị Xuyến Xuân 2020. Ảnh tư liệu.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận Tổ Dân phố Ngọa Long 2, Minh Khai, cho biết: “Không chỉ hăng hái trong lao động sản xuất, mẹ Xuyến còn hoạt động tích cực trong các phong trào đoàn thể ở địa phương như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội thẩm nhân dân”.

Mẹ Xuyến khuyến khích 4 người con còn lại trong việc tham gia vào các phong trào hoạt động của địa phương

Trong tổ dân phố, nhiều trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn, xích mích đã được mẹ Nguyễn Thị Xuyến trực tiếp đứng ra hòa giải thành công. Có trường hợp gia đình nghèo và đông con, mẹ lại đi vận động bà con quyên góp giúp đỡ.

Đến năm 2007, khi đã tuổi cao và sức yếu, mẹ Xuyến mới dừng tham gia công tác xã hội.

Câu chuyện về hy sinh, nghị lực phi thường và đóng góp trong lao động của mẹ Nguyễn Thị Xuyến là tấm gương cho con cháu trong gia đình, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng đạo đức và góp sức xây dựng quê hương.