1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...”

Dương Phong

(Dân trí) - "Hai đứa chúng tôi có cảm tỉnh với nhau và đi theo cách mạng. Mãi sau này về buôn mới biết, ở nhà bố mẹ hai bên đã làm đám cưới cho chúng tôi rồi..." - già làng Y Xuyên hóm hỉnh kể lại.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) - quê hương giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa vững chắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ.

Phát huy truyền thống anh hùng, trải qua bao khó khăn, thử thách, Nâm Nung hôm nay đang vững bước đi lên, hòa nhịp cùng với sự phát triển của đất nước.

Già làng Y Xuyên cùng vợ và ba người con sống dưới mái nhà gỗ truyền thống của người đồng bào M’Nông, nằm tại buôn Ja Ráh.

Giữa căn nhà nhỏ, người cựu chiến binh năm xưa trang trọng đặt hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...” - 1
Già làng Y Xuyên cùng gia đình đang sinh sống trong mái nhà truyền thống của người M'Nông tại xã Nâm Nung

Trở về sau những năm tháng phục vụ cách mạng rồi tham gia xây dựng chính quyền tại huyện Krông Nô, nhiều năm nay, ông lão Y Xuyên vẫn được người dân tín nhiệm, trở thành già làng, có tiếng nói trong đời sống văn hóa của cả cộng đồng.

Lần giở những tấm kỷ vật còn lại sau những năm tháng tham gia phục vụ cách mạng, ông Xuyên bồi hồi kể lại, năm 1959 Đoàn công tác B90 (Bộ Quốc Phòng) tới Nam Nung, dựa vào buôn Ja Ráh để làm bàn đạp phát triển, mở rộng cơ sở và tìm đường vào nam.

Đồng thời, đoàn tìm cách bắt liên lạc với các bộ phận mở đường của Đông Nam bộ từ chiến khu Đ ra.

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...” - 2
Ông Y Xuyên tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi

“Cuộc sống thì khó khăn, chỉ ăn củ khoai củ mì mà chúng phá hoại buôn làng, ngày nào cũng thả bom, nổ mìn. Thanh niên phải bỏ nhà vào rừng trốn để khỏi bị bắt đi quân dịch. Nhà ông già vợ tôi còn có người thân bị địch sát hại. Cán bộ cách mạng đến, ai cũng vui sướng, phấn khởi. Ban ngày bà con thì đi làm nương làm rẫy, ban đêm thì tiếp tế để nuôi cán bộ”, già làng Y Xuyên kể lại.

Năm 1969, khi mới tròn 16 tuổi, ông Y Xuyên xung phong làm nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ. Sau đó tham gia vào C30, C35 hoạt động chủ yếu tại đồn Đắk Đam (nay thuộc huyện Đắk Mil), trực tiếp giải phóng Đức Lập, mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên.

Ông Y Xuyên và vợ - bà H’Rôm (SN 1957) là người cùng buôn, quen nhau từ nhỏ. Ngày ông đi cách mạng, bà H’Rôm lúc ấy 15 tuổi, xung phong cùng các thanh niên khác trong bon đi tải đạn, vận chuyển lương thực, tiếp tế cho các mặt trận phía nam.

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...” - 3
Trong khi đó, 15 tuổi bà H'Rôm đã đi vận chuyển đạn dược, lương thực cho cách mạng

“Chúng tôi gặp nhau những lần đi làm nhiệm vụ. Tôi vận chuyển đạn qua biên giới Campuchia còn ông ấy thì đóng chân tại đồn Đắk Đam. Chúng tôi nhận ra nhau vì là người cùng làng, sau đó có tình cảm với nhau. Thế nhưng thời ấy quy định, chiến tranh không được bắt vợ, bắt chồng nên có thương nhau thì cũng chưa lấy nhau được”, bà H’Rôm kể mãi đến năm 1975, sau khi hòa bình, hai ông bà mới về ở với nhau.

Giải thích thêm, bà H’Rôm cho biết, đồng bào M’Nông theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ được quyền “bắt chồng”.

Hai bên gia đình đều biết ông bà có tình cảm với nhau, lại là người cùng làng, cùng đi cách mạng nên muốn kết thông gia. Chuyện tổ chức đám cưới chỉ có người lớn quyết định, hai ông bà không biết già cả.

Nghe vợ kể, già làng Y Xuyên hóm hỉnh bảo rằng: “Vì ngày ấy thương con, lại sợ tôi bị nhà khác “bắt mất” nên ông bà già (bố mẹ) bà ấy mới sang nhà bố mẹ tôi hỏi cưới. Chúng tôi đi cách mạng, mãi sau này này mới biết, ở nhà bố mẹ hai bên đã làm đám cưới cho chúng tôi rồi. Đến khi trở về muốn chọn người khác làm vợ cũng không được nữa!”.

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...” - 4
Hiện tại, vợ chồng ông bà đang tiếp tục bảo tồn, phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc

Sau khi giải phóng đất nước, ông Y Xuyên có 34 năm công tác trong chính quyền địa phương với nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, bảo tồn những giá trị truyền thống của cộng đồng người M’Nông.

Năm 2008, ông nghỉ hưu, trở về nhà, tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ trẻ về chế tác được nhạc cụ, hát sử thi, đan gùi, làm rượu cần. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Hiện tại, cả 3 người con của ông Y Xuyên đều thành thạo chế tác nhạc cụ và trang phục truyền thống của đồng bào M’Nông.

Chia sẻ về những đổi thay của quê hương, người ch cho biết: “Trước đây, đời sống người dân khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn làm ăn, nên cuộc sống bà con ngày càng khấm khá. Trên địa bàn có nhiều trường học được xây dựng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện… bà con rất phấn khởi”.

“Chúng tôi đi theo cách mạng, bố mẹ ở nhà làm đám cưới cho 2 vợ chồng...” - 5
Ông bà gặp nhau và nên duyên vì có chung lý tưởng cách mạng

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nâm Nung- Đinh Xuân Phụng cho biết, Nâm Nung là "cái nôi" cách mạng nên trên địa bàn xã có số lượng lớn các gia đình chính sách. Vì vậy, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền xã thực hiện tốt. Toàn xã hiện có 123 trường hợp là người có công với đất nước được hưởng trợ cấp.

Đặc biệt, tại địa bàn có nhiều di tích lịch sử, nhất là Khu căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh IV, Nhà Bia ghi danh 40 liệt sĩ dân tộc thiểu số hy sinh trong kháng chiến được đầu tư xây dựng. Đây là nơi về nguồn để giáo dục truyền thống yêu nước, cội nguồn dân tộc cho thế hệ trẻ trong tỉnh Đắk Nông.