1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần Thơ sử dụng 50% kinh phí dự phòng để trao nhanh tiền hỗ trợ dân

(Dân trí) - Để có tiền trao kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, UBND TP Cần Thơ đã sử dụng 50% nguồn kinh phí dự phòng theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố sử dụng 70% quỹ dự trữ tài chính.

Liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Cần Thơ sử dụng 50% kinh phí dự phòng để trao nhanh tiền hỗ trợ dân - 1

Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao đổi với PV Dân trí

Thưa bà, tới thời điểm hiện tại, UBND TP  Cần Thơ đã trao kinh phí hỗ trợ cho bao nhiêu nhóm đối tượng?

- Tính đến ngày 5/5/2020, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 đến tất cả 7 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, Cần Thơ đã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ đến 63.000 người (đạt gần 70%) thuộc 3 nhóm, gồm: Đối tượng là người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đã có 4 trong 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ chi trả xong tiền hỗ trợ cho cả 3 nhóm đối tượng là quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn.

Để tiền hỗ trợ đến kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có phải Cần Thơ đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để trao sớm, thưa bà?

- Để đảm bảo kinh phí chi cho đối tượng, UBND TP  sử dụng 50% nguồn kinh phí dự phòng theo quy định (khoảng 80 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thành phố sử dụng 70% quỹ dự trữ tài chính khoảng 156 tỷ đồng. Trường hợp còn thiếu, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo tiết giảm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết để bổ sung kinh phí chi trả.

UBND thành phố đã giao Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng của từng địa phương để thực hiện chi trả, trước hết là đối với các nhóm đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trường hợp địa phương thiếu ngân sách thì báo cáo đề nghị Sở Tài chính tham mưu trình UBND thành phố cấp bổ sung. Quy trình, thủ tục cấp phát và thanh toán thực hiện đúng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ sử dụng 50% kinh phí dự phòng để trao nhanh tiền hỗ trợ dân - 2
Người dân phường Bình Thủy, quận Bình Thủy được nhận hỗ trợ

Gói hỗ trợ có nhiều nhóm đối tượng, vậy làm thế nào để tiền hỗ trợ đến tận tay người dân mà không bị sai sót, thưa bà?

- Ngay sau khi Nghị quyết số 42/NQ-CP được Chính phủ ban hành, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 
(LĐ-TB&XH) chủ động rà soát đối tượng được hỗ trợ, nghiên cứu, phối hợp cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng vai trò của MTTQ và các đoàn thể để hướng dẫn, tổ chức thực hiện, tránh để sót đối tượng, trùng lặp người được hưởng hay trục lợi chính sách.

Sau khi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND TP đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện đúng và đủ các quy định về đối tượng, hồ sơ, trình tự thủ tục, biểu mẫu. Sở cũng phối hợp với các ngành, các cấp ngay từ khâu khảo sát, rà soát đối tượng lúc ban đầu. Tất cả vừa làm, vừa rà soát, kiểm tra theo từng cấp, để giảm đến mức thấp nhất các sai sót đã nêu.

UBND TP Cần Thơ cũng đã chỉ đạo rõ phương thức hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng, như: đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội thì được thực hiện chi tiền qua hệ thống bưu điện; đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì thực hiện chi tiền mặt tại trụ sở UBND cấp xã hoặc Nhà thông tin ấp, khu vực với nhiều thành phần thực hiện và giám sát.

Riêng đối với các doanh nghiệp, người lao động thì ưu tiên hình thức chi trả qua hệ thống ngân hàng để tiền hỗ trợ được chuyển vào tài khoản ATM của đối tượng thụ hưởng. Từ đó, đã góp phần giảm thiểu sai sót trong khi thực hiện chính sách hỗ trợ.

Thưa bà, trong quá trình thực hiện trao tiền hỗ trợ cho người dân, địa phương có gặp khó khăn gì không?

- Trong khoảng thời gian từ khi Nghị quyết số 42/NQ-CP được Chính phủ ban hành đến ngày có quy định thực hiện cụ thể tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, nhiều người, nhiều doanh nghiệp thường xuyên liên hệ, thắc mắc, vô tình gây ra áp lực đối với chính quyền và cơ quan LĐ-TB&XH các cấp.

Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu khá cụ thể về điều kiện, hồ sơ, trình tự thực hiện chính sách hỗ trợ, nhưng trong thực tế triển khai đã phát sinh nhiều dạng đối tượng gặp khó khăn, chưa được nêu trong quy định thực hiện.

Đến nay, thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận và tổng hợp các vấn đề, vướng mắc phát sinh gửi Bộ LĐ-TB&XH để đề nghị cho ý kiến, làm rõ hơn, giúp địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định pháp luật.

 Vâng, xin cảm ơn bà!

Phạm Tâm