1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Chiều tà, người dân lại hối hả chạy đua với thời gian để gom những mẻ cá cuối ngày trên dòng sông Pơ Kơ. Người nhiều thì được chục ký, người ít thì đủ ngồi canh chua, nhưng họ vẫn luôn sống vui tươi.

Mưu sinh ở đôi bờ Pơ Kơ

Dòng sông Pơ Kơ chảy từ thượng nguồn xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, Gia Lai) qua các xã nghèo như Đăk Kơ Ning, Ya Ma…rồi đổ ra sông Ba. Trên dòng sông này đã hình thành nhiều bến thuyền nhỏ nhằm phục vụ cho người dân đi lại và đánh cá trên sông.

Bến thuyền tấp nập nhất trên dòng sông là ở ngay dưới chân cầu Pơ Kơ, thuộc địa phận giữa xã Đăk Kơ Ninh và xã Ya Ma (huyện Kông Chro).

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên bến thuyền Pơ Kơ

Khi ánh hoàng hôn đang chiếu những tia nắng cuối cùng xuống dòng Pơ Kơ, người dân trên bến thuyền bắt đầu đưa thuyền ra kéo những mẻ lưới đã giăng từ sáng.

Có mặt từ rất sớm, vợ chồng ông Bùi Xuân Thể (59 tuổi) và bà Hà Thị Tuyến (55 tuổi, trú tại làng Plei Nghe, Thị trấn Kông Chro, Gia Lai) đang vội đưa chiếc thuyền nhỏ chạy dọc bờ sông để đánh bắt cá.

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ - 1

Vợ chồng ông Thể mưu sinh trên dòng Pơ Kơ bằng nghề chài lưới bắt cá, mỗi ngày ông thu về từ 300 - 400 ngàn đồng

Ông Thể tâm sự, dòng Pơ Kơ này là nguồn sống của gia đình. Từ 4h sáng, hai vợ chồng chạy từ thị trấn vào dòng Pơ Kơ để đánh bắt cá rồi đem đi nhập ở huyện. Sau đó, mới đi lên rẫy để trồng cây mì, đến chiều tà thì quay lại sông để kéo cá lên.

“Nếu tính cả ngày, vợ chồng tôi cũng bắt được hơn chục kg cá rô phi, bống tượng, tôm, tép… Mỗi ngày như thế, vợ chồng thu về được khoảng 300 ngàn đồng. Số tiền này đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống mưu sinh ở dòng sông này ngày khó khăn vì lượng thủy sản ít dần…”, ông Thể bộc bạch.

Người đã gắn bó hơn chục năm nay với nghề chài lưới dưới chân cầu Pơ Kơ là hộ gia đình ông Lê Văn Hòa (68 tuổi, xã Ya Ma). Ông Hòa bộc bạch: “Hơn 12 năm nay, tôi đã sống bằng nghề làm rẫy mì và bắt cá để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trước đây, dòng sông này có loại cá Chình, cá Đá, cá Lúi rất giá trị. Mỗi con cũng giao động từ 7 - 10kg cũng được vài triệu đồng. Nhưng nay đã hiếm dần”.

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ - 2
Mỗi ngày, người dân bắt được khoảng chục ký cá rô phi, bống hay tôm tép trên dòng Pơ Kơ. Nhờ vậy mà bà con có thêm tiền để trang trải cuộc sống

“Gia đình tôi có 2 cái thuyền gỗ để làm nghề đánh bắt cá rồi chở ra huyện nhập, mỗi ngày cũng được 400 - 500 ngàn đồng. Nếu bữa đi xa ra lòng hồ thủy điện thì bắt nhiều hơn, khoảng 600 ngàn đồng. Thường mùa cạn từ tháng 2 - 6 thì sẽ đánh bắt được nhiều cá hơn”, ông Hòa cho biết.

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ - 3
Vợ chồng ông Thể rửa lưới say một ngày dài đi đánh cá trên dòng Pơ Kơ

Vào mỗi buổi chiều, bến thuyền dưới chân cầu Pơ Kơ lại nhộn nhịp những người dân ở các xã lân cận và thị trấn Kông Chro đánh bắt bằng nghề đánh cá.

Trung bình, mỗi chiều có khoảng từ 10 - 15 thuyền nhỏ dạo quanh sông để kéo lưới tìm cá. Số tiền từ 300 - 400 ngàn đồng từ nghề đánh cá đã mang lại một thu nhập rất lớn cho bà con, nhất là đối với bà con nghèo ở vùng khó khăn.

“Mạch sống”…Pơ Kơ

Ngoài ra, một lượng người dân đồng bào Ba Na ở đôi bờ xã Ya Ma và Đăk Kơ Ning cũng coi dòng sông này như “mạch sống” của cả làng. Sau khi rời nương rẫy, họ lại trầm mình xuống dòng Pơ Kơ để tắm rửa, lấy nước. Đàn ông trong làng thường dùng những chiếc thuyền nhỏ để men theo dòng sông để bắt cá, tôm về nấu bữa tối.

Đặc biệt, bà con bản địa thường đánh bắt cá chỉ để tự phục vụ trong gia đình và chia sẻ cho những người hàng xóm hoặc đổi lấy gạo, bột ngọt chứ không mang đi bán.

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ - 4
Mỗi buổi chiều, người dân bản đại lại ra dòng sông này để đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn

Kéo mảnh lưới vừa mắc gần chục con cá rô phi đang cong mình giãy giụa, anh Đinh Văn Ngôn (làng Tnung Măng, xã Ya Ma) nói với chúng tôi: “Bà con các làng sống gần sông Pơ Kơ thường đánh cá về ăn thôi. Riêng mình, chiều nào cũng mang lưới ra thả, có cá thì mang về nấu ăn, nếu bắt được nhiều thì cho người thân, hàng xóm. Hầu như hôm nào đi thả lưới cũng dính cá nên bữa cơm gia đình được cải thiện. Phấn khởi nhất là những hôm bắt được cá đá hay cá lúi”.

Con sông Pơ Kơ còn đảm nhận việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Kông Chro và các xã lân cận.

Ông Vũ Cao Cường (Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ma, huyện Kông Chro) cho biết: “Sông Pơ Kơ có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ngoài việc cung cấp nước tưới và sinh hoạt thì còn cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân. Đồng thời, những năm gần đây đã tạo nguồn thu có người dân bản địa trong việc khai thác, đánh bắt nguồn thủy sản”.

Hàng năm, đơn vị quản lý thủy điện và xã cũng đã phối hợp để thả thêm các loại cá giống nhằm làm phong phú thêm nguồn thủy sản nơi đây.

Cận cảnh cuộc sống mưu sinh trên sông Pơ Kơ - 5
Dòng sông Pơ Kơ này đã nuôi sống bao thế hệ của đôi bờ Kông Chro

Mặt trời khuất dần sau ngọn núi Kông Chro, bà con bản địa cũng thưa dần. Chiếc thuyền của ông Thể cũng lướt nhanh về bến cho kịp giờ cơm tối. Hai bên bờ là một cảnh yên tĩnh, bóng cây lộc vừng nghiêng mình xuống nước. Lâu lâu, những chú cá lại nhảy lên đớp rồi ngụm sâu.