1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cán bộ ngân hàng tiếp tay cho đường dây đưa người trốn đi Hàn Quốc

Ngày 11/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây đưa người trốn đi Hàn Quốc.

Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc. Ảnh minh họa.
Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc. Ảnh minh họa.

Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo: Nguyễn Đức Lê (sinh năm 1982, trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) 4 năm tù; Hoàng Thị Ánh (sinh năm 1986, ở tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1978, trú tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 3 năm 6 tháng tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài,” theo quy định tại Điều 275, khoản 2 – Bộ luật Hình sự.

Tiếp tay cho 3 bị cáo trên thực hiện hành vi phạm tội là bị cáo Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1986, trú tại Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội, nguyên cán bộ Ngân hàng Ocean Bank) bị phạt 18 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại Điều 267, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa đã làm rõ: Năm 2015, Châu Tiến Dũng, Nguyễn Đức Lê, Hoàng Thị Ánh và Nguyễn Ngọc Hà biết chính sách của Chính phủ Hàn Quốc không tuyển lao động người Việt Nam, nhưng cho phép các trường đại học, cao đẳng Hàn Quốc tuyển du học sinh học ngành ngôn ngữ tiếng Hàn với điều kiện: Học sinh có học lực từ trung bình trở lên và phải đóng trước tiền học phí, ký túc xá 6 tháng hoặc 12 tháng.

Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị cấp Visa du học tự túc phải có: Giấy nhập học bản gốc (thư mời của các trường Hàn Quốc), chứng minh tài chính du học (trong đó có yêu cầu phải có sổ tiết kiệm có số dư khoảng 10.000 USD, mở trước thời điểm nộp hồ sơ 6 tháng)… Biết được thủ tục đi du học Hàn Quốc, Dũng, Lê, Ánh và Hà đã tư vấn làm giả sổ tiết kiệm, hợp thức hồ sơ tổ chức cho 33 người trốn đi Hàn Quốc dưới hình thức du học tự túc (vừa học, vừa làm).

Để thu hút người đi Hàn Quốc, tháng 3/2015, Ánh và Hà đã thành lập Công ty cổ phần đào tạo và phát triển giáo dục quốc tế Look-up Việt Nam. Công ty này do Ánh làm Giám đốc, còn Hà làm Phó Giám đốc. Lê giới thiệu Hà với Châu Tiến Dũng để Hà thuê Dũng làm giả sổ tiết kiệm.

Cơ quan điều tra đã xác nhận: Từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2016, mặc dù Công ty Look-up chưa được cấp giấy phép học động tư vấn du học, nhưng Ánh và Hà đã tiếp nhận tư vấn, xin thư mời, hợp thức hồ sơ bằng sổ tiết kiệm giả để xin Visa tổ chức cho 33 người trốn đi Hàn Quốc bằng hình thức du học tự túc. Còn Lê đã tham gia tư vấn và chuẩn bị hồ sơ thông qua Dũng xin thư mời, làm giả sổ tiết kiệm để hợp thức hồ sơ xin Visa, tổ chức cho người trốn đi Hàn Quốc.

Thông qua việc tổ chức cho người trốn đi Hàn Quốc, Lê, Ánh và Hà đã hưởng lợi bất chính hơn 105 triệu đồng. Hành vi nêu trên của Lê, Ánh và Hà đã phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài."

Ngoài ra, từ tháng 9/2015 đến ngày 6/1/2016, lợi dụng việc quản lý và sử dụng sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Ocean Bank, Nguyễn Thu Hiền đã làm giả 33 sổ tiết kiệm cung cấp cho Châu Tiến Dũng để Dũng đưa cho người đi Hàn Quốc giúp họ chứng minh năng lực tài chính.

Thông qua việc làm giả 33 sổ tiết kiệm, Hiền hưởng lợi bất chính 261 triệu đồng. Khi nhận làm giả 33 sổ tiết kiệm giả cho Dũng, Hiền không biết Dũng sử dụng 33 sổ tiết kiệm giả này để hợp thức hóa hồ sơ, xin Đại sứ quán Hàn Quốc cấp Visa tổ chức cho người trốn đi Hàn Quốc bằng hình thức du học tự túc. Vì vậy, Hiền không đồng phạm với các bị cáo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.” Cơ quan tố tụng xác định hành vi vi phạm của Hiền đã phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức."

Do Châu Tiến Dũng bị tai nạn, chấn thương sọ não và bại liệt, nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với Dũng, khi nào sức khỏe của Dũng phục hồi, sẽ điều tra xử lý tiếp.

Theo Vietnamplus.vn

http://www.vietnamplus.vn/can-bo-ngan-hang-tiep-tay-cho-duong-day-dua-nguoi-tron-di-han-quoc/445745.vnp