1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau: Sở LĐ-TB&XH đề nghị theo dõi lao động trở từ vùng dịch Covid-19

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngày 11/8, tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, đã đề nghị các địa phương phối hợp nắm tình hình, theo dõi, quản lý lao động trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, những ngày qua tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, có diễn biến phức tạp. Sở đã đề nghị các địa phương phối hợp tăng cường công tác phòng, chống dịch, cũng như thực hiện gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Qua theo dõi, nhận định tình hình chung cho thấy các đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo các hoạt động truyền thông, tuyên truyền và hình thức thực hiện được nhân dân, lao động hưởng ứng tích cực.

Cà Mau: Sở LĐ-TBXH đề nghị theo dõi lao động trở từ vùng dịch Covid-19  - 1

Sở LĐ-TB&XH Cà Mau đề nghị tăng cường theo dõi, quản lý lao động về từ vùng dịch.

Tuy nhiên, việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đối với tỉnh Cà Mau chủ yếu hỗ trợ tháng 4, nhưng đến nay nhiều địa phương còn phát sinh hồ sơ, chi kinh phí hỗ trợ còn chậm,…

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các ngành liên quan và chính quyền cơ sở theo dõi tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và nhân dân lao động thuộc phạm vi địa bàn quản lý, khuyến cáo tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, các địa phương cần rà soát theo dõi nắm chặt thông tin hành trình người dân, lao động từ vùng dịch trở về địa phương (báo cáo cụ thể họ tên, nơi cư trú, lịch trình di chuyển về Sở trước 15h30 hàng ngày), yêu cầu khẩn trương trình báo chính quyền địa phương, thực hiện khai báo y tế,…

Sở LĐ-TB&XH cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dứt điểm việc tiếp nhận đơn đề nghị của các đối tượng và thực hiện chi kinh phí hỗ trợ cho người dân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo trang thông tin Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, tính đến ngày 31/7, toàn tỉnh có 133.563 trường hợp (gồm: người có công; bảo trợ xã hội; nghèo và cận nghèo; lao động không có hợp đồng lao động; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; lao động bán vé số lẻ lưu động; hộ kinh doanh) được phê duyệt hưởng hỗ trợ trên 146 tỷ đồng.

Riêng 2 nhóm là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, hiện vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ.