Bức xúc nợ đọng bảo hiểm xã hội

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.600 doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 3 tháng trở lên. Điều đáng nói, trong số này có tới gần 1.300 DN từng bị nhắc nhở.

Công nhân Công ty Bách Hợp (quận 6) tố cáo việc giám đốc bỏ trốn không trả lương, đóng BHXH.
Công nhân Công ty Bách Hợp (quận 6) tố cáo việc giám đốc bỏ trốn không trả lương, đóng BHXH.
Để xảy ra tình trạng này, lãnh đạo thành phố thừa nhận là do công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa tốt, mỗi khi có kế hoạch mới triển khai thanh tra, kiểm tra, xử phạt còn nếu không thì để đấy, khiến nợ đọng BHXH kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, Thanh tra Sở đã ban hành 1.620 văn bản nhắc nhở, yêu cầu DN chấp hành đúng pháp luật về BHXH, với tổng số tiền nợ đọng gần 210 tỷ đồng. Kết quả có 770 DN chủ động khắc phục với số tiền hơn 115 tỷ đồng.
Như vậy tỷ lệ nợ đọng BHXH vẫn còn chiếm gần 50%, là con số vô cùng lớn, nếu không thực hiện quyết liệt các giải pháp khó có thể thu hồi nợ đọng đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, việc chậm đóng BHXH của các DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người lao động.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tình trạng chậm đóng BHXH diễn ra chủ yếu ở các DN ngoài quốc doanh. Đáng lưu ý, nhiều DN đóng BHXH thấp hơn lương thực trả của DN cho công nhân, hoặc kê khai nộp BHXH ít hơn so với tổng số người lao động. Còn theo ông Cao Văn Sang, nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH, trước hết do nền kinh tế suy thoái, DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ý thức về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia BHXH của người sử dụng lao động, người lao động vẫn còn hạn chế dẫn đến việc nợ đọng tiền BHXH với số lượng lớn và thời gian kéo dài.
Về tình trạng nợ đọng BHXH, hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận thẳng thắn nhìn nhận, công tác tham mưu và thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các DN nợ đọng BHXH trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức: "Thực tế, mỗi khi có kế hoạch thì mới bắt tay vào rà soát, kiểm tra và xử phạt còn không thì không chủ động làm…".
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận yêu cầu, các cấp, các ngành liên quan, chính quyền quận, huyện cần phối hợp thường xuyên và liên tục trong việc rà soát, thanh kiểm tra, xử phạt, có các biện pháp thu hồi nợ đọng BHXH, tránh tình trạng để nợ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động và thâm hụt ngân sách thành phố. Từng tháng, từng quý họp để đánh giá, phân tích mặt được và chưa được, kịp thời rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp tích cực để triển khai có hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Thị Thu Hương cho biết sẽ đối chiếu với số người nộp BHXH của DN trên số kê khai DN đã nộp và bảng lương chi trả thực tế cho người lao động. "Nếu trường hợp làm không đúng thì chúng tôi sẽ cắt chi phí lương. Điều này sẽ hướng DN chấp hành đúng về trách nhiệm nộp thuế cũng như các nghĩa vụ nộp BHXH", bà Lê Thị Thu Hương nói.

Cũng theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành liên quan cần phải có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các DN chây ỳ, cố tình né tránh và trốn nghĩa vụ đóng BHXH. "Chỉ cần trung bình một quận, huyện lên danh sách khoảng 30 DN nợ BHXH để tiến hành giải quyết trong một đợt triển khai thực hiện thì tổng số 24 quận, huyện trên địa bàn sẽ là con số không nhỏ, số tiền thu không ít và quan trọng hơn cả là đem lại hiệu quả cao", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đưa ra giải pháp.
Theo Hà Phạm/Báo Hà Nội mới