1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về tự chủ ở các trường thể thao, nghệ thuật

(Dân trí) - Chủ trương tự chủ nhằm giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển và cạnh tranh trong thị trường lao động. Nhưng các trường đào tạo ngành thể thao, nghệ thuật còn nhiều khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất, việc áp dụng tự chủ sẽ thực hiện ra sao?


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trước Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trước Quốc hội.

Chiều 5/6, tại Phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã giải đáp thắc mắc của đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) về những giải pháp giúp tháo gỡ những khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao khi tham gia cơ chế tự chủ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương nhất quán và đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương.

Mục tiêu của tự chủ nhằm đảm bảo cho các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cơ chế năng động và hiệu quả theo hướng tinh gọn nhất. Qua đó để đáp ứng yêu cầu học sinh sinh viên nhiều nhất và ra trường có việc làm kết nối doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc tự chủ của giáo dục nghề nghiệp không có nghĩa tự chủ tức là cắt hết toàn bộ kinh phí. Tự chủ ở đây là giao quyền tự chủ về quản lý, tổ chức bộ máy, giáo trình, giáo viên, liên kết đào tạo v.v...” - Bộ trưởng cho biết.

Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng: Những cơ sở nào có điều kiện, có khả năng tự chủ toàn phần thì tiến hành ngay.

Bộ trưởng nhận định: “Hiện nay chúng ta đã thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần, 21 trường thuộc khu vực lực lượng vũ trang cũng tự chủ. Qua quá trình 2 năm triển khai, chúng tôi thấy rằng số sinh viên đầu vào tăng lên nhiều lần, đời sống giáo viên, thu nhập của giáo viên tăng lên, cơ sở vật chất được tăng cường…”

Với các trường công lập thuộc lĩnh vực văn hoá - thể thao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tự chủ không có nghĩa là cào bằng.

Bộ trưởng giải thích: “Ở những tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi, hay một số ngành nghề đào tạo, lĩnh vực có tính chất chuyên biệt, ví dụ như nghề múa, các nghề truyền thống, văn hóa như khôi phục truyền thống hát chèo, tuồng v.v... thì phải có cơ chế hoàn toàn khác so với mặt bằng chung”.

Theo đó, những ngành nghề đặc biệt sẽ được Nhà nước chuyển sang đặt hàng theo đầu ra.

“Ví dụ có ngành văn hóa nghệ thuật mà 1 thầy 1 trò thậm chí 2 thầy mới được 1 trò, mà quá trình học từ sơ cấp đến trung cấp mất 9 năm, thì những ngành nghề đặc thù ấy nhà nước có cơ chế riêng biệt về vấn đề này” - người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH lý giải.

Hoàng Mạnh