1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH nói gì khi tiếp nhận thêm 500 trường trung cấp, cao đẳng?

(Dân trí) - “Bộ LĐ-TB&XH sẽ giữ nguyên hiệu lực các văn bản, quyết định của Bộ GD-ĐT áp dụng cho khối các trường trung cấp, cao đẳng chuyển giao. Bộ LĐ-TB&XH chỉ sửa quy định trên trong trường hợp tốt hơn so với tinh thần văn bản cũ, thuận lợi hơn cho các trường”


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 3, từ phải sang) đang trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 3, từ phải sang) đang trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kết luận tại Hội nghị đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 16/1 tại TPHCM. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Giải thích thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ tôn trọng và giữ nguyên công việc đang triển khai của các nhà trường về chương trình đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh. Với những công việc Bộ GD-ĐT đang làm dở dang, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp nhận và xử lý tiếp quy trình này.

“Đơn cử như khâu thành lập trường, nếu Bộ GD-ĐT đã làm được 3,4 bước, còn bước nào chưa xong thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm tiếp. Chúng ta cùng xác định: Không có chuyện cát cứ, tất cả vì quyền lợi của người học” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Ngay trong ngày hôm nay (17/1), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ ký công văn gửi tới các UBND tỉnh, thành, và trường trung cấp, cao đẳng liên quan những hướng dẫn nội dung liên quan tới việc chuyển tiếp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phục vụ phát triển của đất nước.

Nhà nước luôn tạo cơ hội để người học giáo dục nghề nghiệp có thể liên thông học lên cao hơn. “Cơ hội học tiếp lên của người học nghề lên đại học và trên đại học phải rõ ràng hơn. Đặc biệt, điều chỉnh tâm lý nghiên cứu và ứng dụng phải song hành với nhau. Trước đây, chúng ta thường coi trọng nghiên cứu trên ứng dụng và coi nhẹ người học nghề. Trong khi các cụ từng có câu, nhất nghệ tinh nhất thân vinh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH): Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Về tuyển sinh năm 2015 đạt 2,29 triệu người, trong đó trung cấp, cao đẳng đạt 523.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng đạt 1,76 triệu người.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, Chính phủ thống nhất quản lý công tác dạy nghề và giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Để phát triển giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ LĐ-TB&XH và đại diện các trường trung cấp, cao đẳng 3 yếu tố: Tự chủ, gắn với doanh nghiệp và hướng tới xây dựng theo chuẩn quốc tế.

“Trong đó, tự chủ ở đây thực chất là tự quản về bộ máy nhân sự. Ngân sách nhà nước hỗ trợ sẽ điều chỉnh lại theo hướng công bằng hơn. Theo đó, trường công lập nào tuyển sinh được nhiều học sinh sẽ được ưu tiên hơn trường tuyển sinh ít hơn. Chúng ta phải nhìn nhận công bằng, những trường ngoài công lập không có ưu đãi vẫn sống được, tại sao các trường công lại không làm được?” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xác định đây là những nội dung chính sẽ được đưa vào chương trình triển khai phát triển giáo dục nghề nghiệp trong năm 2017.

Trong thời gian tới, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH xác định những đột phá chính trong giáo dục nghề nghiệp, như: “Từng bước tiến hành tự chủ với các trường trung cấp và cao đẳng. Không thể cào bằng giữa trường tuyển sinh nhiều và ít. Những trường chưa có điều kiện thì có lộ trình tự chủ. Về quan hệ doanh nghiệp, cần sự đồng hành với doanh nghiệp trong khảo sát thị trường lao động, chương trình thực hành, bố trí việc làm…Đồng thời, từng bước xây dựng chuẩn đào tạo ở cấp quốc gia, chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT sẽ gấp rút cùng xây dựng quy chế liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học để trình Chính phủ thời gian tới.

“Nhanh chóng phân tầng giáo dục đại học và giáo dục ứng dụng”. Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Việt Nam:

“Nếu không sớm phân tầng giáo dục, học sinh sẽ bị lẫn lộn giữa giáo dục đại học và giáo dục ứng dụng. Cuối cùng thì các em sẽ rơi vào tình trạng "lỡ thày lỡ thợ". Nhiều học sinh vẫn ảo tưởng: Vào đại học thì tương lai sáng lạn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp đại học rất lớn. Trong khi đó, việc phân luồng chưa rõ. Vì chưa có “luồng” cho các em vẫn chạy theo xu hướng là chính”.

Ông Trần Công Chánh lưu ý, trình độ của giáo viên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn yếu, phần nhiều chỉ thiên về lý luận và hàn lâm. Rào cảnh này khiến cha mẹ học sinh cũng ngại trong việc cho con đi học nghề. "Học nghề kế toán ra nhưng học sinh còn không biết những loại sổ sách gì nữa" - ông Trần Công Chánh ví dụ.

Ngoài ra cần xây dựng một chế độ tiền lương hợp lý và cao hơn hơn đối với người lao động sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. “Đơn cử như trình độ trung cấp chỉ có hệ số lương khởi điểm là 1,86; trình độ đại học là 2,34…Riêng điều này đã khiến nhiều người không muốn vào học trung cấp rồi” - ông Trần Công Chánh nói.

“Nên phân cấp, điều chỉnh tỉ lệ đào tạo đại học, trung cấp, cao đẳng”. Ông Lương Văn Tiến - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp và xây dựng (Bộ Công thương):

Chia sẻ thực tế từ một khảo sát ở tỉnh Quảng Ninh, theo đó Quảng Ninh có gần 15.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng số vào trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chỉ khoảng 3.000 người. Vậy, số còn lại đi đâu? Ông Lương Văn Tiến cho rằng, chủ yếu các em không đi học gì cả, chỉ học ở mức cấp chứng chỉ. Ông Tiến lo lắng là sau 10-15 năm nữa số lao động phổ thông sẽ hơn 50 % không có tay nghề.

Vị hiệu trưởng này cũng đề nghị, Nhà nước phải phân cấp tỉ lệ trình độ rõ ràng việc đào tạo trung cấp hay đại học. "Và hàng năm phải thống kê và tổng kết để có sự điều chỉnh. Muốn vậy, cần phân luồng từ rất sớm". Ngoài ra, ông Lương Văn Tiến đề xuất nâng mức học phí đại học cao lên để như một rào cản số đông chạy thay tâm lý bằng cấp để cố vào học đại học. "Tất nhiên là vẫn giữ mức tiên cho các đối tượng chính sách" - ông Lương Văn Tiến nói.

Hoàng Mạnh