Bình Định: "Cần chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động"

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện lĩnh vực lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, chính sách người có công và các vấn đề xã hội trên địa bàn, chiều 18/10.

Làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Tỉnh Bình Định hiện có 3 huyện nghèo thuộc diện 30 a, 18 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, 31 xã đặc biệt biệt khó khăn vùng miền núi thuộc Chương trình 135 và 197 thôn đặc biệt khó khăn thuộc khác xã khu vực II và III.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, trong lĩnh vực lao động - việc làm, Bình Định có hiện có 5.900 doanh nghiệp, 184.257 lao động, trong đó nữ chiếm 40,2%. Các doanh nghiệp đều trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng do nhà nước quy định.

Tiền lương bình quân của lao động trên địa bàn tỉnh là 6,484 triệu đồng (trong đó, doanh nghiệp nhà nước là 5,884 triệu đồng, doanh nghiệp FDI là 6,923 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh là 6,646 triệu đồng).

Đến tháng 9/2017, tỉnh đã phê duyệt 987 dự án, với tổng vốn vay 28 tỷ động, giải quyết việc làm cho 1.429 lao động; tuyên truyền việc làm cho 13.226 lượt người; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 4.000 người; đưa 559 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Nhật Bản là chủ yếu, còn lại thị trường khác 77 người…

Tăng trưởng kinh tế và các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã giải quyết việc làm cho 21.125 lao động (đạt 70,89%) kế hoạch, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2016).

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp được quan tâm. Đồng thời, đã triển khai mạnh đào tạo nghề theo môi hình kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã, người học nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tiếp nhận, đảm bảo sau khi học nghề thì người lao động được doanh nghiệp vào làm việc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn

Đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 21.475 người, trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng; bồi dưỡng, tập huấn nghề và đào tạo dưới 3 tháng cho 7.753 người.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định phải làm rõ 3 vấn đề quan trọng. Trước hết là việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Tiếp theo là vấn đề dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm nhất là con em nông thôn vùng sâu vùng xa, các đơn vị khó khăn. Vấn đề thứ 3 là tập trung vào vấn đề giải quyết những chính sách cho người có công trong chiến tranh.

“Hôm nay, sau nhiều năm quay lại Bình Định tôi vui mừng khi nhìn thấy tỉnh ngày càng đi lên, đời sống dân sinh tăng trưởng. Tuy nhiên, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến đời sống dân sinh của nhân dân. Dù đời sống có nâng cao, nhưng Bình Định vẫn là tỉnh nghèo, đời sống người dân nhiều nơi còn khó khăn. Đặc biệt, tỉnh có 33 huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo chúng ta còn cao so với bình quân cả nước”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý: “Trong thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm vào 2 chương trình mục tiêu quốc gia, xem đây cuộc cách mạng nông thôn. Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân. Làm sao để cho người dân có công ăn việc làm ổn định, có nghề nghiệp để tạo ra thu nhập. Do vậy, việc đầu tiên là phải quan tâm đào tạo nghề. Đào tạo nghề theo địa chỉ, phải dự báo được công việc để khi ra trường có việc làm, chứ không phải đào tạo theo phong trào”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh đến công tác tri ân đối với người có công: "Đối với người có công phải tri ân một cách thực sự, làm sao tất cả người có công phải hưởng đúng, hưởng đủ theo tinh thần của chính sách. Thời gian tới, tôi đề nghị Sở LĐ,TB&XH tỉnh cùng các ngành liên quan tổng rà soát lại các trường hợp chính sách, nhất là một số đối tượng có đời sống còn khó khăn, làm sao đến 2020, người có công phải có mức sống bằng hoặc cao hơn; tập trung giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng; đối với những trường hợp cá biệt phải xử lý linh hoạt, sáng tạo…”.

Doãn Công