1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

BHYT học sinh, sinh viên: Không có quy định thu "một gói" 15 tháng

(Dân trí) - Việc áp mức đóng BHYT năm học 2015-2016 có thể theo “một gói” 15 tháng gây bức xúc cho nhiều bậc phụ huynh. Trong khi đó, Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC (được xem là căn cứ chính để thu BHYT) chỉ quy định việc thu theo 6 tháng hoặc 12 tháng. Vậy việc thu mức 15 tháng do đâu?

Tiền đóng BHYT đầu năm học cho con là một khoản kinh phí lớn đối với nhiều hộ gia đình.
Tiền đóng BHYT đầu năm học cho con là một khoản kinh phí lớn đối với nhiều hộ gia đình.

Trong hơn 1 tuần qua, dư luận xã hội quan tâm nhiều về thông tin liên quan tới cách thu và mức thu BHYT năm học 2015-2016. Cụ thể, học sinh - sinh viên sẽ đóng tiền BHYT "một gói" 15 tháng thay cho 12 tháng tính từ năm học 2015-2016 (bên cạnh việc lựa chọn đóng 6 tháng hoặc 1 năm), mức đóng sẽ tăng từ 3 % lên 4,5 % mức lương cơ sở...

Cũng theo thông tin báo chí phản ánh, không ít nhà trường có chủ trương áp dụng việc thu "một gói" 15 tháng đối với học sinh - sinh viên để tránh phiền hà và để tập trung vào công việc chuyên môn.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho rằng, việc thu BHYT theo 15 tháng thay cho 12 tháng như trước vì thẻ BHYT của học sinh - sinh viên năm học 2014-2015 sẽ hết hạn vào tháng 9/2015. Nên việc quy định tham gia BHYT năm học 2015-2016 sẽ kéo dài thêm 3 tháng (từ tháng 10-12).

Do đó, thời gian đóng sẽ là 15 tháng thay cho 12 tháng.

Tuy nhiên, việc triển khai việc thực hiện thu tiền BHYT tại hệ thống các trường học có quy định việc áp dụng “một gói” 15 tháng có theo đúng quy định của Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC?

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC không có quy định thu “một gói” 15 tháng cho đối tượng học sinh - sinh viên.

Cụ thể, điều 5 của Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định thời gian thu đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có ghi rõ: “Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT”.

BHYT học sinh, sinh viên: Không có quy định thu "một gói" 15 tháng - 2

Điều này cũng được đại diện của Bộ Tài Chính - một trong 2 bên tham gia ký Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC  thừa nhận với báo chí chiều ngày 10/9. Bà Đỗ Thị Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định: Không có quy định nào thu bảo hiểm y tế (BHYT) 15 tháng.

Trong khi đó, việc đưa ra thông tin đóng “một gói” BHYT 15 tháng lại chính là một nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh học sinh phản ứng trong dịp đầu năm học.

“Đầu năm học, chúng tôi phải đóng nhiều loại tiền cho con tại nhà trường, nay lại tăng số tiền đóng BHYT theo tháng. Chưa kể, mức đóng tăng từ 3 % lên 4,5 % lương cơ sở. Đây là một khoản kinh phí không nhỏ đối với những gia đình công nhân viên chức tại nhiều thành phố, chưa nói tới các gia đình ở nông dân vùng nông thôn” - một phụ huynh tại quận Cầu Giấy cho biết.

Như vậy, bức xúc của nhiều bậc phụ huynh về việc bị áp thu BHYT theo kiểu “một gói” 15 tháng có thể được hiểu là sự “linh hoạt” của đơn vị triển khai cụ thể tại từng cơ sở giáo dục?

Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng ngành BHXH với tư cách là đơn vị triển khai dù muốn linh hoạt thu xuống mức 3 hoặc 6 tháng cũng khó. Bởi quy định của Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC không cho phép.

“Do Thông tư 41/TTLT-BYT-BTC quy định thu theo năm tài chính, tức là 12 tháng. Bởi vậy, việc thu theo 3 tháng hoặc 6 tháng thì phải có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Nếu không thì ngành BHXH sẽ bị làm sai” - ông Nguyễn Đình Khương nói. Cũng theo ông Nguyễn Đình Khương, các bên liên quan đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp hợp lý hơn trong việc thu BHYT năm học 2015-2016. “Có thể là việc phải tổ chức nhóm chỉnh sửa thông tư 41/TTLT-BYT-BTC” - ông Nguyễn Đình Khương cho biết.

Hoàng Mạnh