Bao giờ cả trăm ngàn lái xe Grab được điều chỉnh của Luật Lao động?

(Dân trí) - “Trong quá trình sửa đổi Luật Lao động 2012, chúng ta cần lưu ý tới việc bổ sung nhóm đối tượng mới xuất hiện do tác động mới của công nghệ 4.0. Đơn cử như những lái xe Grab…”

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về điều chỉnh đối tượng trong Luật lao động 2012

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) góp ý về quá trình sửa đổi Luật Lao động 2012. Lộ trình xây dựng đề án sửa đổi Luật Lao động đang được Bộ LĐ-TB&XH tiến hành, dự kiến trình các cơ quan chức năng xem xét trong quý 2/2019.

Hồi cuối năm 2018, các thông tin tranh tụng giữa Vinasun và Grab đã cho thấy, quan hệ kinh doanh của Grab đã tạo ra nguồn việc làm cho 175.000 lái xe. Trong số đó, nhiều người đã làm việc cho Grab có thời gian tới 6 tháng, 1 năm hoặc còn lâu hơn.

quang.jpg

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN)

Như vậy, quan hệ xã hội đã tạo ra một nguồn việc làm cho người lao động lớn tới 175.000 chỗ làm việc nhưng lại chưa chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động.

Giải thích thêm, ông Lê Đình Quảng cho biết: “Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng quan hệ giữa lái xe Grab và nhà cung cấp dịch vụ chưa hẳn đã là quan hệ lao động. Bởi những lái xe chỉ có chiếc xe của mình và chỉ sử dụng công nghệ. Do đó chưa hình thành đầy đủ tư cách người lao động và người sử dụng lao động. Họ vẫn cho rằng đây chỉ lao động tự do”.

Theo ông Lê Đình Quảng, quan điểm nêu trên là chưa đúng và bỏ sót việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, cụ thể ở đây là các lái xe.

Đơn cử như việc xử lý những vấn đề phát sinh khi trong tuyển dụng, tư cách đàm phán các điều khoản trong thoả thuận giữa các bên, việc trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, xử lý tình trạng thất nghiệp, tranh chấp lao động...

grab.jpg

“Thực chất quan hệ của lái xe Grab với chủ công nghệ cần nhận diện là loại hình quan hệ lao động mới trong thời đại công nghệ 4.0 và cần phải đưa vào là đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động trong thời gian tới” - ông Lê Đình Quảng cho biết. 

Trong khi đó, việc làm lái xe Grab kéo dài tới hơn 1 năm hoặc tối thiểu 6 tháng như trên đã tạo ra thu nhập ổn định. Điều đó có thể được coi là một nghề nghiệp ổn định.

Trao đổi vấn đề này với PV Dân trí, ông Hà Đình Bốn Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, Bộ Luật Lao động hiện hành (được sửa đổi năm 2012) đang có “khoảng trống” trong việc điều chỉnh các mô hình quan hệ lao động mới, kiểu như Grab.

Do đó, ông Hà Đình Bốn cho biết: “Một trong các hướng sửa đổi Luật Lao động năm 2012 là mở rộng khả năng nhận diện đối tượng. Luật sẽ được quy định cụ thể hơn thế nào là tiêu chí người sử dụng lao động như, người lao động, các nội dung của hợp đồng lao động…”.

Đồng thời, các quan hệ dù thể hiện ở bất cứ dạng hợp đồng nào nhưng hội tụ đủ các yếu tố của hợp đồng lao động, như: Có sự ký kết giữa các bên, có cam kết thực hiện công việc cụ thể, có trả lương, có sự giám sát và quản lý…thì đều được coi là hợp đồng lao động, phải tuân theo quy định của pháp luật lao động.

 Đại diện ILO tại VN băn khoăn về vai trò lái xe Grab

Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN, cũng từng đặt vấn đề nhận diện đối tượng lái xe Grab trong quá trình sửa đổi Luật Lao động 2012.

“Liệu Bộ luật chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Với những tài xế Grab thì sao?” - ông Chang Hee-Lee.

Lý giải rõ hơn, vị đại diện ILO tại VN cho biết: Việt Nam hiện có một lực lượng lao động hơn 53 triệu người, trong đó 22 triệu người làm các công việc tự làm hoặc là lao động gia đình không được trả lương, phần lớn thuộc nền kinh tế phi chính thức; 23 triệu người là lao động làm công ăn lương.

Ông Chang Hee-Lee nêu vấn đề: “Vậy bao nhiêu trong số họ sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động? Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên cần được trả lời”

Hoàng Mạnh