1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạc Liêu: Dành hơn 244 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực

(Dân trí) - Theo kế hoạch, tỉnh Bạc Liêu dự kiến dành hơn 244 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực, qua đó tạo việc làm cho người lao động.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, qua 5 năm (2011 - 2015), tỉnh đã cử hơn 30.000 lượt người tham gia các khóa đào tạo dài hạn, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở các cơ sở đào tạo trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Trong đó, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sau đại học 579 người, đại học 1.891 người, trung cấp chuyên nghiệp 178 người (chủ yếu là cán bộ, công chức cấp xã).

Với đề án Mekong 50 (đào tạo nước ngoài), tỉnh đã tuyển chọn được 46/50 ứng viên đủ điều kiện và tiêu chuẩn để tham gia học. Hiện nay, tổng số ứng viên cử đi học là 39 người và đã tốt nghiệp về nước công tác là 31 người (8 tiến sĩ và 23 thạc sĩ).

Qua 5 năm, tỉnh Bạc Liêu cũng đã đào tạo nghề cho hơn 62.600 lao động và chuyển giao công nghệ cho hơn 14.500 lao động; giải quyết việc làm cho hơn 102.000 lao động, trung bình hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 20.700 lao động và đào tạo nghề cho 12.000 người; xuất khẩu lao động được 1.030 người; bình quân mỗi năm thu hút khoảng 15.000 lao động vào làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đội ngũ cán bộ và công chức, nhất là cấp xã luôn biến động, việc bố trí sử dụng ở địa phương không ổn định, lâu dài; còn hiện tượng tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đào tạo trái ngành, trái nghề hoặc đào tạo lại không phân công đúng chuyên môn.

Việc đào tạo chưa cân đối giữa cán bộ khoa học kỹ thuật với cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và cán bộ quản lý điều hành, phần lớn tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, chưa chú trọng đến những ngành nghề, những lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu, dẫn đến tình trạng những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của tỉnh chưa đào tạo và thu hút được các chuyên gia đầu ngành.

Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tuy có tăng nhưng chất lượng chưa cao, ngành nghề chưa phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao, chiếm 61,63%; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về chất lượng và cơ cấu.

Bạc Liêu dự kiến dành hơn 244 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực từ nay đến năm 2025. (Ảnh minh họa)
Bạc Liêu dự kiến dành hơn 244 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực từ nay đến năm 2025. (Ảnh minh họa)

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực quan trọng, mà trước mắt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, du lịch, khoa học kỹ thuật… Phấn đấu trong giai đoạn này tăng nhanh đội ngũ lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, thay thế dần đội ngũ lao động, công nhân phổ thông có trình độ trung bình và thấp.

Một trong những chỉ tiêu cụ thể mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra là phấn đấu đến năm 2020 và hết năm 2025 cơ bản 100% cán bộ, công chức cấp huyện và tỉnh được đào tạo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, trong đó đào tạo sau đại học ít nhất 15%; 100% cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn đạt trình độ A tin học; ít nhất 50% đến năm 2020 và đến năm 2025 có 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn tiếng Anh bậc A2 trở lên.

Tỉnh Bạc Liêu cũng phấn đấu đào tạo nghề giai đoạn này nâng tỷ lệ đào tạo đạt 63,90%, trong đó đào tạo nghề là 41%; bình quân hằng năm lao động qua đào tạo ít nhất là 18.000 lao động, trong đó trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp là 3.000 người.

Để thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, theo kế hoạch của tỉnh Bạc Liêu, tổng kinh phí dự kiến là hơn 224,865 tỷ đồng (nguồn của tỉnh là hơn 83 tỷ đồng). Trong đó, đào tạo nghề là 65,400 tỷ đồng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là trên 179,465 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, nguồn kinh phí này từ ngân sách của tỉnh và Trung ương, gồm: Các nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong và ngoài nước; các nguồn từ các chương trình, dự án của Trung ương;…

Theo đó, tỉnh tiếp tục khảo sát chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, từ đó sắp xếp cán bộ, công chức luân phiên đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; có chính sách thu hút thỏa đáng đối với người có trình độ cao ở các lĩnh vực tỉnh đang cần như ngành nghề nông nghiệp chất lượng cao, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch, cán bộ quản lý,… ưu tiên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phục vụ cho phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Tập trung mở rộng đào tạo một số ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh, trước mắt như dịch vụ may, các ngành nghề truyền thống, công nghiệp xây dựng và giao thông, tin học ứng dụng, sửa chữa máy nổ thủy động cơ, sửa chữa xe gắn máy, điện tử gia dụng,…

Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, qua đó tạo việc làm cho người lao động sau học nghề.

Huỳnh Hải