1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Trị:

Ba lần xung phong vào "vùng đỏ" đón người, bị trêu… đi thăm "bồ"

Đăng Đức

(Dân trí) - "Có người trêu tôi nhiều lần xung phong đi đón dân tránh Covid-19 để tiện thăm "bồ". Nhưng thực tế đó là hoạt động nhân văn, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân...", Thượng tá Hùng vui vẻ kể.

Trở về sau chuyến công tác vào các tỉnh phía Nam đón người hồi hương, Thượng tá Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh Quảng Trị cùng các thành viên trong đoàn - đang trải qua quá trình cách ly theo quy định. 

Thượng tá Lê Mạnh Hùng đã chia sẻ nhiều cảm xúc đặc biệt qua 3 chuyến công tác vào TPHCM và các tỉnh vùng dịch, trong đó có câu chuyện hài hước, bị bạn bè trêu chọc là đi thăm "bồ" trong Nam.

Ba lần xung phong vào vùng đỏ đón người, bị trêu… đi thăm bồ - 1

Quảng Trị tổ chức 3 chuyến công tác đặc biệt vào TPHCM và các tỉnh phía Nam đón người dân về quê, Thượng tá Hùng đều xung phong tham gia (Ảnh: Đăng Đức).

Hỗ trợ em gái khuyết tật lên tàu vào "giờ chót" 

Cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ xuất quân đoàn công tác vào TPHCM và các tỉnh phía Nam đón người dân về quê và đoàn 35 cán bộ y tế vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch Covid-19. 

Đoàn công tác đi đón bà con về quê gồm 17 thành viên, do ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn và Thượng tá Lê Mạnh Hùng làm Phó đoàn, thực hiện nhiệm vụ đón gần 400 người dân Quảng Trị về quê. Đối tượng được ưu tiên là người già, phụ nữ có con nhỏ, người mắc bệnh nền…

Thượng tá Lê Mạnh Hùng cho biết, theo phân công của Ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, phải có lãnh đạo Phòng CSGT đi cùng, hỗ trợ các tình huống xảy ra trên đường cũng như việc đưa đón người dân. 

Ba lần xung phong vào vùng đỏ đón người, bị trêu… đi thăm bồ - 2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tiễn đoàn công tác vào phía Nam đón người dân về quê (Ảnh: Đăng Đức).

Để việc đưa đón người dân thuận lợi, đoàn công tác phải liên hệ trao đổi công việc với lực lượng chức năng ở các tỉnh phía Nam. Đồng thời, các thành viên đoàn công tác phải gọi điện từng người trong danh sách để thống nhất thời gian và các điều kiện cần thiết, hướng dẫn bà con làm xét nghiệm trước khi bước lên tàu về quê.

Thời điểm này, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đang rất phức tạp, trong khi việc đưa đón người dân về quê lần đầu tiên được tổ chức.

"Dọc đường di chuyển vào TPHCM và các tỉnh phía Nam, có rất nhiều chốt kiểm soát nên gặp không ít khó khăn. Tôi đã chủ động liên hệ, trao đổi với công an các tỉnh để tạo điều kiện cho đoàn công tác trong việc đi lại", Thượng tá Hùng nói.

Ba lần xung phong vào vùng đỏ đón người, bị trêu… đi thăm bồ - 3

Ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn công tác và Thượng tá Lê Mạnh Hùng hoàn thành chuyến công tác đầu tiên, chụp ảnh lưu niệm tại ga Đông Hà (Ảnh: FBNV).

Trong chuyến đón người dân về quê đợt một phát sinh tình huống khá đặc biệt, nằm ngoài danh sách, đó là trường hợp của em Trương Thị Nhỏ Lệ (quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - sinh viên học tại TPHCM. Em Lệ bị tàn tật, còn mang trên mình căn bệnh tim.

Thượng tá Hùng chia sẻ: "Sau khi nắm được thông tin về cháu Lệ là trường hợp đặc biệt, tôi đã trao đổi với Trưởng đoàn công tác là anh Lê Nguyên Hồng và được đồng ý. Sau đó, tôi liên lạc và nhờ một số anh em quen biết để đưa Lệ đến Ga Sài Gòn. Thời điểm này, việc đi qua các chốt kiểm soát vô cùng khó khăn, nhưng may mắn là mọi người đã hỗ trợ đưa em Lệ qua nhiều chốt để kịp giờ tàu chạy".

Nhiều năm làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, bệnh tật, Thượng tá Lê Mạnh Hùng cũng đồng cảm với những người dân đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, "bám trụ" ở TPHCM trong đại dịch.

Tham gia chuyến công tác đặc biệt đón người dân về quê, Thượng tá Hùng có điều kiện để giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn nói trên. Anh đã vận động những người thân quen và các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo bảo hộ và các đồ dùng thiết yếu cho bà con về quê.

"…Đến với TPHCM mới thấu hiểu được tình cảnh của những người "yếu thế" trong xã hội, họ vất vả thế nào để đáp ứng cho cuộc sống hiện tại. Và, mới thấu hiểu cảm giác yêu thương đùm bọc của quê hương, gia đình, bạn bè đối với những người con làm ăn xa xứ. Trên chuyến tàu nghĩa tình Quảng Trị, mỗi người bước chân lên tàu đều mang một nỗi niềm, sự khó khăn, day dứt, lo toan…

Đó là nỗi lo lắng của người mẹ trẻ sắp đến ngày sinh em bé mà điều kiện y tế của các tỉnh đang có dịch khó đáp ứng được; đó là nỗi lo của các gia đình đang có con nhỏ, điều kiện cuộc sống khó khăn, đau ốm, bệnh tật đe dọa; đó là những gia đình công nhân đang thiếu thốn vì dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong ánh mắt của mọi người vẫn hồ hởi, vui mừng, phấn khởi khi được nhận vé lên tàu…", Thượng tá Hùng chia sẻ trên facebook cá nhân.

Chuyện "dở khóc dở cười" khi bị trêu đi thăm "bồ"

Có kinh nghiệm trong đợt một nên Thượng tá Lê Mạnh Hùng tiếp tục xung phong tham gia đoàn công tác đợt 2 của Quảng Trị vào miền Nam đón hơn 500 bà con trở về bằng tàu hỏa.

Chưa dừng lại, sang đợt 3, Thượng tá Hùng tiếp tục tham gia đón người dân về quê. Do nhiều lần xung phong vào vùng dịch đón người dân về quê, bị một số người trêu chọc, khiến Thượng tá Hùng rơi vào tình huống khó xử.

Ba lần xung phong vào vùng đỏ đón người, bị trêu… đi thăm bồ - 4

Thượng tá Hùng nghỉ ngơi uống nước cạnh đường ray (Ảnh: FBNV).

"Nhiều người trêu chọc tôi có "bồ" trong Nam nên mới xung phong đi đón người để tiện đi thăm "bồ". Bản thân tôi nghĩ rằng, việc đón người dân về quê là hoạt động nhân văn, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Lãnh đạo Phòng CSGT nhiều người muốn tham gia, nhưng sau đợt một, cả 2 đợt sau tôi đều "tranh" đi vì đã quen việc", Thượng tá Hùng cho biết.

Theo Thượng tá Hùng, việc đón công dân về quê 3 lần thuận lợi cũng nhờ UBND tỉnh Quảng Trị có công văn gửi đến TPHCM và các tỉnh phía Nam đề nghị hỗ trợ và tạo điều kiện. Đoàn đến địa phương nào cũng có lực lượng ở đó hỗ trợ kịp thời, như dựng lán cho bà con trú mưa và chuẩn bị đủ bánh trái, nước uống, hỗ trợ đưa hành lý của người dân lên tàu…

Ba lần xung phong vào vùng đỏ đón người, bị trêu… đi thăm bồ - 5

Những công dân được tỉnh Quảng Trị đón về bằng tàu hỏa (Ảnh: Mạnh Hùng).

Thượng tá Hùng chia sẻ: "Trong đợt thứ 2, có người nằm trong danh sách đón về quê nhưng đến ngày về thì nằm trong khu phong tỏa nên không lên tàu được. Đợt mới đây, có nhiều người từ chối trở về quê vì các tỉnh phía Nam dần trở lại trạng thái bình thường nên muốn ở lại làm việc, sinh sống. Ngoài ra, có trường hợp phụ nữ mang bầu nên ở lại sinh luôn, do đó số lượng người giảm xuống so với danh sách chốt ban đầu".

Ba lần tham gia đón người về quê, mọi công việc ở nhà đều do một tay vợ anh lo toan. "Đôi lúc, vợ tôi cũng lo lắng chuyện mình đi công tác nhiều lần ở nơi nguy hiểm. Nhưng mình phải động viên để vợ, con và người thân ở nhà an tâm. Anh em trong đoàn cũng nhắc nhau tuân thủ các quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn cho mình và người thân".

Hoàn thành nhiệm vụ đón công dân về quê, Thượng tá Hùng và các thành viên đoàn công tác phải trải qua quá trình cách ly tập trung...

Tỉnh Quảng Trị đã đón khoảng 1.400 công dân gặp khó khăn do Covid-19 từ miền Nam về quê an toàn bằng tàu hỏa, vào tháng 7 và tháng 8 và tháng 10.