1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bắc Ninh:

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành

(Dân trí) - Ngày 10/7, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), đã đến thăm các thương binh nặng đang ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh).

Đời đời không quên

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), đã đến thăm, tặng quà các thương binh nặng đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh).

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 1
Đoàn bác sĩ viếng các anh hùng, liệt sĩ
Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 2

Ngày 10/7 đoàn bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã đến thăm các thương binh nặng tại TT Thuận Thành (Bắc Ninh)

Trung tâm là nơi đang chăm sóc, điều trị cho 94 thương binh nặng. Bác Thèn Văn Sáng (70 tuổi ở xã Thu Tà, huyện Xín Mần), nguyên là lính Binh đoàn Tây Nguyên tham gia mặt trận giải phóng tỉnh Kon Tum vào tháng 3-1974 (tỷ lệ thương tật trên 90%) xúc động trước sự quan tâm của đoàn.

Bác Thèn Văn Sáng cho biết: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng với chúng tôi, nó vẫn ám ảnh trong từng bữa cơm, giấc ngủ. May mắn giờ được sinh hoạt tại Trung tâm với đội ngũ y bác sĩ tận tình chu đáo nên bản thân tôi hay gia đình cũng rất yên tâm”.

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 3

Đó còn là câu chuyện của bác Nguyễn Văn Thành, 66 tuổi, ở xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) với tỷ lệ thương tật 91% cơ thể, bị liệt nửa người.

Những cơn đau tê buốt đến tận xương tủy mỗi khi trái nắng trở trời thường xuyên hành hạ bác. Bác Thành vốn là lính trinh sát kỹ thuật của Trung đoàn 88B - Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng). 

Sáng 21/4/1975, trong một lần cùng đồng đội mở đường cho quân ta giải phóng tỉnh Long An, bác bị trúng đạn của địch. Sau khi điều trị vết thương, ngày 20/9/1976 bác được về Trung tâm điều trị, an dưỡng.

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 4
Mỗi người là 1 câu chuyện về chiến tranh, về những năm tháng chiến đấu vì nền hòa bình của đất nước
Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 5
Nỗi đau và sự hi sinh của các bác ngày hôm nay là điều mà con cháu không được quên

Hay bác Nguyễn Văn Sinh (Kinh Môn, Hải Dương) với Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, có đôi chân không thể hoạt động được nên gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày…

Tại cuộc gặp gỡ, tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội - nhấn mạnh: “Sự hy sinh, mất mát của những người đi trước là vô cùng to lớn. Con cháu sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn của cha ông ta, những người đi trước, đã hi sinh xương máu đổi lấy nền độc lập ngày hôm nay”.

Hành động thiết thực 

Là bệnh viện trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội chia sẻ: “Bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, có chức năng khám bệnh, điều trị, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người khuyết tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đối tượng khác.

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 6

Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) xuống tận giường thăm các bác thương binh nặng không di chuyển được

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 7

Trực tiếp Tiến sĩ, Bác sĩNguyễn Văn Hưng- Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội thăm khám cho các bác thương binh 

Việc chăm sóc, phục vụ các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, là trách nhiệm, và còn là niềm vinh dự, tự hào của tập thể cán bộ công nhân viên bệnh viên.

"Với Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bệnh viện luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tối đa về kỹ thuật để phục vụ, chăm sóc tốt nhất cho các thương binh nặng" - ông Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh thêm.

Trong chuyến thăm lần này, đoàn bác sĩ đã trực tiếp thăm hỏi và tặng quà đến các thương binh nặng; động viên, thăm khám sức khỏe và tư vấn về tâm lý, cách thức điều trị để các thương binh nặng yên tâm sinh hoạt, sống vui, sống có ích trong thời gian tại Trung tâm.

Đối với các bác thương binh nặng, không thể di chuyển được, đoàn bác sĩ cũng xuống tận giường thăm non, cũng như kiểm tra tay, chân giả hay xe lăn có vấn đề để kịp thời xử lí ngay.

Ấm áp nghĩa tình ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành - 8

Đón nhận tình cảm và sự quan tâm của đoàn bác sĩ, Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Khắc Dư xúc động, tâm sự: Tại trung tâm hiện tại có 94 thương - bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%), trong đó có nhiều bác mắc thêm các chứng bệnh như: tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận, viêm gan B, C, viêm đường tiết niệu, loét lưng; cá biệt có thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật…".

Vì thế mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương lại gây ra sự đau đớn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của thương binh. Cá biệt, trung tâm có 2 thương binh phải nằm điều trị ở tuyến trên (Viện 103 và Viện 108) chạy thận nhân tạo đã 8 năm nay.

Hàng năm vào dịp 27/7 là các bác lại nhớ đến chiến trường, nhớ đồng đội và nhớ cả những câu chuyện đầy nước mắt vì thế sự thăm hỏi, động viên kịp thời của đoàn bác sĩ là món quà vô giá, giúp động viên tinh thần rất lớn đối với các bác.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành tọa lạc ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đây là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập từ ngày 3/4/1965. 

Sau hơn 50 năm tồn tại và phát triển, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương - bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Đến nay, đơn vị đang quản lý, nuôi dưỡng và điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 94 thương - bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%). Do đặc thù thương tật 90% bị thương vào cột sống, gây liệt nửa người, nên các thương - bệnh binh phải di chuyển, sinh hoạt bằng xe lăn, xe lắc; có 10% bị thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt…

Phạm Oanh