1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

8 tháng đầu năm 2017: Hơn 700.000 lao động nông thôn được học nghề

(Dân trí) - Qua 8 tháng đầu năm, cả nước có trên 700.000 lao động nông thôn tham gia đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên. Dạy nghề lao động nông thôn còn tình trạng không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cần được điều chỉnh hợp lý với từng địa phương hơn.

Đây là thông tin được đề cập tại Hội nghị về đào tạo sơ cấp, thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 30 tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra và 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Chương trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tuần đầu tháng 9 tại Nghệ An.

Dạy nghề lao động nông thôn đạt 63%

Theo bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), năm 2016 cả nước có khoảng 1,7 triệu người được đào tạo sơ cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó khoảng 1 triệu lao động nông thôn.

“Qua 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có trên 900.000 người được đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên đạt 54,5% kế hoạch; ước thực hiện trong năm 2017 là 1,6 triệu người đạt kế hoạch được giao. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn 8 tháng đã đào tạo khoảng 700 ngàn người, đạt 63,6% kế hoạch” - bà Phạm Thị Hoàn cho biết.


Ảnh: TL

Ảnh: TL

Đại diện Vụ đào đạo thường xuyên cũng cho biết, công tác đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc chưa thống kê đầy đủ kết quả đào tạo thường xuyên tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Đơn cử như các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác.

Trong khi kinh phí hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn các vùng khác trong cả nước.

Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, đặc biệt là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương còn dàn trải và chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nông thôn mới.

Cũng theo Vụ đào đạo thường xuyên, lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm. Do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế.

“Hiện nay, cùng với chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg còn có các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác sử dụng ngân sách nhà nước để dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn do các Bộ, ngành quản lý, chỉ đạo. Điều này ít nhiều tạo ra sự phân tán nguồn lực, trùng lặp đối tượng thụ hưởng và khó khăn trong theo dõi, thống kê, tổng hợp kết quả, hiệu quả dạy nghề” - bà Phạm Thị Hoàn, cho biết.

Cần chủ động vào cuộc

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã thẳng thắn trao đổi nhiều nội dung xung quanh vấn đề đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Giai đoạn năm 2018-2020, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu đào tạo đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn, gồm: Trình độ sơ cấp khoảng 2,7 triệu người; đào tạo thường xuyên cho khoảng 2,8 triệu người.

Các ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc xếp hạng đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; chuẩn nhà giáo, tiêu chuẩn nhà giáo và nghiệp vụ sự phạm của nhà giáo ở dạy nghề dưới 3 tháng.

Việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc bố trí cán bộ, định mức biên chế và kinh phí phân bổ; hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện còn chưa hợp lý; việc xây dựng và giao chỉ tiêu, cấp kinh phi triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề nông nghiệp cần sát sao hơn…


Hội nghị về dạy nghề cho lao động nông thôn được Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNN tổ chức năm 2017.

Hội nghị về dạy nghề cho lao động nông thôn được Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNN tổ chức năm 2017.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những phản hồi của các địa phương giúp cho công tác định hướng trong thời gian tới trong đào tạo nghề lao động nông thôn.

“Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó đặc biệt lưu ý tới về đề đăng ký hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các điều kiệm đảm bảo cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp” - Tổng Cục trưởng cho biết.

Đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần sớm thiết lập các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở những nghề phổ biến, công nghệ cao. Đồng thời ban hành chuẩn đầu ra những nghề xã hội đang cần, điều chỉnh chương trình cho phù hợp và đạt chuẩn theo quy định.

Hoàng Mạnh

Tin vắn:

Rà soát các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xem xét bổ sung huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

8 tháng đầu năm 2017: Hơn 700.000 lao động nông thôn được học nghề - 3

Thông báo kết luận nêu rõ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách giảm nghèo bền vững nói riêng là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số chính sách đầu tư còn dàn trải, phân tán; một bộ phận dân cư, chính quyền địa phương còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách cấp trên; kinh phí đối với các huyện nghèo, huyện hưởng cơ chế, chính sách theo huyện nghèo còn tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến tạo sinh kế cho người dân; chưa khuyến khích và đánh giá cao người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Kết luận nêu rõ, giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với một số bộ, nhành liên quan và các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2017-2020…

H.N

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu tỉnh Thái Bình hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Công văn số 3568/LĐTBXH-VP truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tỉnh Thái Bình khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xác nhận đối với chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hy sinh 63 năm, nhưng chưa được công nhận liệt sĩ.

Ảnh internet
Ảnh internet

Nội dung công văn 3568/LĐTBXH nêu rõ: Trong thời gian gần đây, Báo Dân trí và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin liên quan việc chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng , sinh năm 1919 tại xã Bạch Đằng (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hy sinh năm 1954 tại trận Thần Đầu - Thần Huống huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ông Nguyễn Văn Hồng được Chính phủ truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng 3 (đã ghi là liệt sĩ), nhưng hơn 60 năm nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Trước những thông tin trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có ý kiến như sau: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ các quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Hồng theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 30/9/2017. Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Hồng. Được biết năm 1954, liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, nhưng đến năm 1960 cán bộ xã Bạch Đằng đến gia đình thu lại và nói rằng để mang đi đổi, nhưng từ đó đến nay Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hồng “bặt vô âm tín”.

H.M