1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

5 nguyên nhân chính khiến lương thấp dù gắn bó nhiều năm

Tuổi đời ở công ty được nhiều năm, nhớ mặt thuộc tên từ A đến Z tất cả nhân viên trong tòa nhà, gần như đã thành “thổ địa” lâu năm ở công ty nhưng lương thì vẫn chẳng bằng ai. Bạn có đang gặp phải tình cảnh ngang trái này?

Trước khi than thân trách phận, đổ lỗi từ chính sách công ty đến quản lí, thì hãy xem thử bạn đã chủ động thực hiện những điều dưới đây chưa nhé.

Nguyên nhân bạn làm việc lâu năm mà vẫn chưa được tăng lương có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, như việc tài chính công ty đang thiếu ổn định, công ty không có chính sách thưởng phạt phù hợp. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nguyên nhân nằm ở chính bạn. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

Bạn chưa chủ động yêu cầu tăng lương

Nếu bạn làm việc chăm chỉ và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thế nhưng dấu hiệu sếp báo tăng lương vẫn không đến, thì nguyên nhân 70% là do bạn quá yên ắng trong công sở. Bạn chưa chủ động đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình.

5 nguyên nhân chính khiến lương thấp dù gắn bó nhiều năm - 1

Hãy xem lại thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có) về thời gian đánh giá năng lực làm việc của bạn. Nếu không có xác định rõ ràng, hãy thẳng thắn đề nghị vì bạn xứng đáng được quyền lợi này.

Kể cả khi sếp nói lời từ chối bạn, đây cũng là cơ hội lí tưởng để bạn chia sẻ với sếp và có được những lời nhận xét mình cần phải làm gì để được tăng lương trong tương lai.

Bạn chưa thể hiện cho sếp thấy bạn xứng đáng được tăng lương

Có thể bạn là một nhân viên cần cù và khiêm tốn trong công ty. Bạn chỉ muốn thầm lặng hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy đây là một đức tính tốt đẹp nhưng lại thiếu sự khéo léo cần thiết để bạn nhận lại những quyền lợi của mình.

Bạn cần tạo sự chú ý cho bản thân trong một nhóm làm việc, chứng tỏ cho sếp thấy năng lực của mình. Hoàn thành việc được giao chưa đủ, bạn cần phải nỗ lực chủ động đảm nhiệm thêm nhiều việc trong khả năng, hoặc tự lãnh đạo một dự án nào đó.

Nếu bạn chỉ là chú ong thợ âm thầm “gánh” việc nhưng lại không ai biết đến, mọi công sức của bạn sẽ chẳng được đền đáp thỏa đáng.

Bạn không nâng cao kỹ năng của mình

Một nhà lãnh đạo luôn mong muốn nhân viên của mình được trang bị đầy đủ kỹ năng và có thể đảm nhiệm nhiều việc hiệu quả. Nếu công ty của bạn là “thỏi nam châm” hút nhân tài thì việc làm mới kỹ năng của mình là vô cùng cần thiết.

Điều này sẽ giúp bạn tăng sức bật và cạnh tranh thuận lợi trong một môi trường năng động. Hãy theo học các khóa học uy tín bên ngoài có cấp bằng hay chứng chỉ.

Nhiều nhà quản lí cũng cân nhắc đến các chứng chỉ khi đưa ra quyết định thăng cấp hoặc tăng lương cho nhân viên. Việc nâng cao kỹ năng của mình sẽ là điểm cộng để bạn thuận lợi tăng lương sau một thời gian dài, và dĩ nhiên là phải đảm bảo sếp của bạn biết được thông tin về việc học hành chăm chỉ của bạn.

Bạn có quá nhiều vấn đề chưa khắc phục

Bạn thường xuyên mắc sai lầm trong suốt nhiều năm làm việc, từ những chuyện nhỏ nhất như làm báo cáo, gửi mail, dù đã lặp lại nhiều lần nhưng bạn vẫn thường xuyên vấp lỗi.

Ngoài ra, nếu bạn đi làm muộn hoặc nghỉ phép quá nhiều, các ông chủ vẫn sẽ luôn để ý đến sự vắng mặt của bạn trong thời gian làm việc ở công ty, cho dù bạn có trở về nhà trễ hơn các đồng nghiệp khác trong văn phòng.

Những thiếu sót này tuy là vấn đề nhỏ, nhưng nếu bạn biến nó thành hành vi lặp lại nhiều lần thì sẽ khiến sếp nghĩ rằng bạn không thật sự coi trọng công việc này, hoặc thiếu nghiêm túc trong quá trình làm việc. Cơ hội tăng lương của bạn sẽ giảm đi nếu bạn có thái độ không tốt.

Đề nghị tăng lương sai thời điểm

Thời điểm là chuyện cần phải chú ý đầu tiên khi bạn dự định yêu cầu sếp tăng lương. Lí do bạn mãi vẫn chưa thể được xét duyệt chuyện tăng lương rất có thể vì những lần kiến nghị của bạn, vô tình trùng vào thời điểm khó khăn của công ty chẳng hạn.

Ngoài ra, nếu quyết định điều chỉnh lương của công ty vào cuối năm mà bạn lại đặt vấn đề quá sớm vào giữa năm thì rất có thể, yêu cầu tăng lương của bạn sẽ rơi vào quên lãng.

Ngoài ra, bạn cần chắc chắn thời gian nói chuyện với sếp cần tránh những tuần sếp bạn đang bận “bù đầu bù cổ”. Chắc chắn sếp chỉ thảo luận sơ sài với bạn về vấn đề này, vì họ có nhiều chuyện quan trọng hơn cần phải giải quyết. Hãy cố gắng đừng để công sức của mình rơi vào tình huống như thế.

Theo Doanh nhân Sài gòn/HRInsider