Tú của “Con đường âm nhạc”

(Dân trí) - Có người viết: “Chiếu mạng” Tú chắc phải là ngôi sao tinh nghịch. Thì đúng là vậy! - Tú thừa nhận điều này, nhưng đó phải là sự tinh nghịch của một ngôi sao thích chuyển động sáng tạo. Ở thì của cuộc chuyện trò này, Tú đang trong cuộc chạy đua số thứ 2 của “Con đường âm nhạc”.

Nhiều người tỏ ra lo lắng khi anh “lôi” Con đường âm nhạc, số thứ 2 ra trình làng ở sân khấu A3- Triển lãm Giảng Võ - Hà Nội. Thậm chí ngay cả nhân vật chính của đêm “Im lặng”- nhạc sĩ Dương Thụ cũng e ngại điều này. Anh nghĩ sao mà làm vậy?

 

Dĩ nhiên là tôi biết, làm ở sân khấu nhỏ bao giờ cũng quen thuộc và an toàn hơn. Nhưng, đối với tôi sáng tác là để phục vụ mọi người. Nếu có một cơ hội để người xem được thưởng thức một không gian mới lạ hơn, tại sao mình không làm. Hơn nữa, ở đêm Im lặng, tôi được làm việc cùng anh Quốc Trung nên tôi cảm thấy tự tin hơn về phần âm nhạc.

 

Nghĩa là anh ưa mạo hiểm?

 

Không hẳn vậy, mà đơn giản, khó thì mới phải làm, dễ thì đâu phải ai tính. Khi “lôi” một đêm nhạc như thế ra sân khấu lớn, tôi biết là nhiều thứ khó khăn đi cùng, và luôn sẵn sàng đối phó với nó. Thế nên nói là mạo hiểm cũng không hẳn.

 

Vậy liệu có phải anh dùng tiểu xảo của sân khấu để “lòe” người xem?

 

Hoàn toàn sai lầm. Tôi nung nấu ý định làm chương trình Con đường âm nhạc từ hơn hai năm nay. Là vì, tôi thấy ở nước mình có rất nhiều nhạc sĩ với các ca khúc có giá trị, tại sao mình lại không giới thiệu họ cho khán giả. Và khi tôi nhận được sự đồng ý của lãnh đạo để thực hiện chương trình này, thì cũng là lúc tôi xác định cho mình rằng: đây là một sân chơi đến từ nội dung âm nhạc. Hơn nữa, bản thân những nhạc sĩ được lựa chọn trong Con đường âm nhạc đã là những “tính cách” âm nhạc quá hay, vì thế không việc gì phải “thò” tiểu xảo sân khấu vào nữa.

 

Tú của “Con đường âm nhạc” - 1
 Việt Tú và biên kịch Chu Minh Vũ

 

Ở số 1 của Con đường âm nhạc, các clip đan xen trong chương trình, đã tạo ấn tượng đặc biệt về một đêm của Phú Quang có tựa đề “Trong ánh chớp số phận”. Ở đêm “Im lặng”, và các số tiếp nữa thì sao?

 

Tôi hoàn toàn hài lòng với ê- kíp làm các clip ở số 1. Ở góc độ cảm nhận về tác giả -sự nghiệp, tôi đã cố gắng làm hết sức cho khán giả biết được những gì mà nhiều người chưa biết về tác giả, hay về sự ra đời của các tác phẩm. Các clip đã “bồi đắp” được điều đó khi xen vào chương trình, đêm Im lặng cũng sẽ cố gắng làm được tốt như thế. Tuy nhiên, thực lòng làm các clip đó hiện nay cũng là bài toán khó với chúng tôi, vì vậy ở những số sau thì tôi chưa thể nói được.

 

Vì sao lại chưa thể nói được?

 

Đơn giản thôi, vì kinh phí thực hiện những clip của một số là 6 triệu đồng (bao gồm: quay phim, kịch bản, xây dựng bối cảnh...). Thú thực, nếu không nhờ sự cố gắng, nhiệt tình vô tư của bạn bè thì rất khó để làm những clip đó.

 

Những nếu kéo dài sự “vô tư” thế, bạn bè anh cũng khó giúp đỡ được. Anh tính sao?

 

Có lẽ phải cắt bớt hình ảnh đó... Nhưng tôi cũng hi vọng rồi mọi chuyện sẽ khá hơn.

 

Mỗi tháng một số cho Con đường âm nhạc, anh có vẻ rất xuống sức?

 

Không có chuyện đấy. Tôi dám làm thì tôi cũng dám chơi, quan trọng là làm gì cũng cần có sự đầu tư và tập trung từ trước. Tôi không cảm thấy mình xuống sức, vì ít nhất cũng đã 7-8 năm trong nghề, tôi cũng đã học được nhiều kinh nghiệm từ bạn bè, cuộc sống để làm cho mọi thứ trở nên cân bằng, chủ động. Bởi vậy, có khi làm việc mờ cả mắt, quên cả ăn, thì cũng có lúc sẵn sàng tụ tập anh em bạn bè, tán chuyện luyên thuyên đấy thôi.

 

Lại nói về M.C của chương trình, có ý kiến cho là nhà thơ Đỗ Trung Quân khá e dè, thận trọng. Anh nghĩ sao?

 

Tôi không nghĩ vậy, việc chọn anh Quân là rất tốt. Chương trình cần một người hiểu câu chuyện để chuyện trò thẳng thắn cùng các nhạc sĩ mà không bị "lố". Anh Quân là người khá hợp, anh là một nhà thơ - nhà báo, và hơn hết anh có mối quan hệ rộng rãi, "chiều sâu" với nhiều nghệ sĩ, biết nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết về các nhạc sĩ. Tôi tin ở những số tới, anh Quân sẽ làm cho sân khấu sinh động, có chiều sâu hơn.

 

Còn về đội ngũ ca sĩ, cũng không ít thắc mắc là sao không chọn những ca sĩ đã được “đo ni đóng giày” với tác phẩm?

 

Về phần này, đã có những người biên tập âm nhạc đảm nhận. Tuy nhiên tôi có thể nói, tác phẩm của các nhạc sĩ đó-  bản thân nó đã có đời sống, cớ gì cứ phải người này mới hát bài này, mà đôi khi một gương mặt mới xuất hiện cũng làm cho chương trình trở nên sinh động hơn đấy chứ.

 

Đêm “Im lặng” diễn ra vào ngày 12/6 này, là đêm hội ngộ của “divas”(Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh) và nhiều gương mặt độc đáo khác là: ngôi sao của dòng nhạc quan họ NSƯT Thúy Hường, ca sĩ trẻ Tùng Dương, Lê Hiếu...  Với tư cách là một người thưởng thức, anh thấy sao?

 

Tôi gọi nhạc sĩ Dương Thụ là chú. Đối với tôi, những ca khúc của chú Thụ đều để lại dấu ấn đặc biệt. Còn về sự xuất hiện của ai trong chương trình, đều có giá trị hết, mỗi người một vẻ, tôi cũng rất khó để đánh giá điều này. Bổn phận của tôi là làm một đạo diễn của chương trình, chỉ mong đem đến được những ấn tượng đậm đặc nhất cho người xem trong suốt hai tiếng đồng hồ mà thôi. Đấy mới là kết qủa cuối cùng mà tôi cần quan tâm nhất.

 

Đôi nét về đạo diễn Việt Tú:

Sinh năm 1977, tại Hà Nội

Tốt nghiệp Trung cấp khoa Kèn- Nhạc viện HN

Tốt nghiệp đạo diễn ĐH SK- ĐA năm 1999

Hiện là đạo diễn trẻ của Ban Văn nghệ Đài THVN

Một số show diễn khá thành công của Việt Tú: Sao Mai, Tổng đạo diễn hình Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 22; Nhật thưc; Đẹp Fashion show, Sai Mai- Điểm hẹn... 

 

Hà Hà