1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ điều "Diều hâu" tới Biển Đông đề phòng Trung Quốc

(Dân trí) - Các máy bay ném bom B-1 và máy bay không người lái Global Hawk (Diều hâu toàn cầu) của Không quân Mỹ đã được điều tới Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hành vi bành trướng trong khu vực.

Mỹ điều Diều hâu tới Biển Đông đề phòng Trung Quốc - 1

Một máy bay không người lái Global Hawk của Không quân Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ)

Fox News ngày 10/6 đưa tin, Không quân Mỹ đang điều các máy bay ném bom B-1B và máy bay do thám Global Hawk ra Biển Đông và các vùng biển khác ở Thái Bình Dương. Động thái này nằm trong khuôn khổ một chiến lược rộng hơn nhằm thực hiện các sứ mệnh giám sát và răn đe trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Các máy bay ném bom B-1B cất cánh từ đảo Guam để hỗ trợ Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, và theo một báo cáo của Không quân Mỹ, các máy bay này cụ thể là đang tiến hành các sứ mệnh trên Biển Đông.

Cùng lúc đó, Không quân Mỹ cũng luân chuyển các máy bay do thám Global Hawk tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa sự hiện diện hoạt động của Mỹ trong khu vực.

Các sứ mệnh như vậy dường như nhằm đối phó với tình hình khẩn cấp mới, trong bối cảnh có các thông tin cho biết Trung Quốc đang tiến hành 2 cuộc tập trận tàu sân bay ở Biển Đông, khiến khu vực lo ngại.

Theo Fox News, các máy bay do thám trinh sát Global Hawk, kết hợp với các máy bay do thám biển Triton của Hải quân Mỹ tại Guam, đang ngày càng được thiết kế với các thuật toán tiên tiến mang lại mức độ tự động mới. Các mục tiêu nhiệm vụ được lập trình trước, trong đó máy bay có thể tự động điều chỉnh để thích ứng với các tình huống bất ngờ và xử lý nhanh chóng khối lượng thông tin lớn cùng một lúc, cho phép các chỉ huy quân đội Mỹ tăng cường và mở rộng sứ mệnh giám sát trong khu vực và có thể là vượt qua trở ngại về khoảng cách khi hoạt động trên Thái Bình Dương rộng lớn.

Mỹ điều Diều hâu tới Biển Đông đề phòng Trung Quốc - 2

Một chiếc Global Hawk cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam (Ảnh: Không quân Mỹ) 

Một chương trình kỹ thuật như vậy, được thiết kế để gia tăng khả năng hoạt động tự động trên không, có tên gọi là Kiểm soát phản ứng tự chủ phân tán (DARC). Nó cho phép các hệ thống không người lái hình thành tốt hơn mạng lưới các điểm kết nối trên không và trên mặt đất để thực hiện một phạm vi chức năng lớn hơn, mà mỗi hành động nhỏ không cần chờ sự điều phối bởi người điều khiển trên mặt đất.

Hệ thống DARC hiện đang được phát triển và do tập đoàn Northrop chế tạo sẽ tìm cách bổ sung các khả năng tự động lớn cho máy bay. “Thay vì bay nó, bạn có thể ra lệnh cho nó hành động nào mà bạn muốn thực hiện khu vực”, Phó chủ tịch Northrop, Scott Winship, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ví dụ, một máy bay Global Hawk có thể ra quyết định về tốc độ xử lý để thu nhập, tổ chức và phân tích lượng dữ liệu lớn như các video, xác định mức độ liên quan của thông tin cụ thể và truyền dữ liệu hợp lý cho con người. Các thiết bị giám sát trên không được kết nối tốt hơn có thể đưa ra một giải pháp khác nhằm khắc phục các thách thức địa lý ở Thái Bình Dương, bằng cách cho phép các máy bay do thám trao đổi dữ liệu lớn có liên quan trên các khu vực hoạt động khác nhau.

Theo một bài báo trước đó trên National Interest, đề xuất ngân sách của Không quân 2021 có thể bao gồm các kế hoạch nhằm cắt giảm số lượng các máy bay Global Hawk dự kiến. Tuy nhiên, theo Fox News, dòng máy bay này dường như đang rất cần và các cải tiến kỹ thuật như DARC có thể ảnh hưởng tới việc triển khai và mở rộng vòng đời của Global Hawk.

Về mặt chiến thuật, việc triển khai máy bay Global Hawk có thể giúp giám sát một khu vực chiến lược của Biển Đông và ngay lập tức xác định những khoảnh khắc quan trọng, như tàu Trung Quốc đi qua.

“Cuối cùng chúng tôi đã vượt qua rào cản về sức mạnh xử lý và nhận thông tin xử lý ngay trên máy bay. Chúng tôi có thể tấn công hàng nghìn mục tiêu cùng lúc”, ông Winship nói.

An Bình

Theo Fox News