Nút thắt khiến hàng nghìn căn hộ ở TPHCM khó chuyển thành nhà ở xã hội
(Dân trí) - TPHCM đang có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ trống, không thể chuyển thành nhà ở xã hội do vướng các quy định pháp luật. Địa phương dự kiến thực hiện đấu giá những căn hộ này.
Sáng 16/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội và việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội. Buổi làm việc nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong ít ngày tới.
Bà Tô Thị Bích Châu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, đặt câu hỏi cho chính quyền thành phố về công tác quản lý nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn. Bà Châu mong muốn nghe giải pháp của thành phố trước cảnh hàng nghìn căn hộ tái định cư đang bị bỏ trống.
"Nếu gắn với nhà ở xã hội, chúng ta có thể giải quyết được phần nào vấn đề này không? Thành phố có cần tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng gì đối với nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội?", vị đại biểu băn khoăn.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thông tin, toàn địa bàn đang có hơn 11.000 căn hộ, nền đất tái định cư đang bỏ trống, không có người ở. Số lượng này gồm gần 9.000 căn hộ và hơn 2.100 nền đất.
Thành phố đã có chủ trương đấu giá đối với hơn 4.900 căn hộ và 42 nền đất tại phường Bình Khánh (nhà tái định cư cho người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm) và khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
"Cần chuyển qua hình thức đấu giá vì những căn hộ trên được tạo lập từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ngân hàng. Trước đó, thành phố cũng từng có chủ trương xin chuyển các căn hộ tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm sang căn hộ thương mại, nhưng việc này cũng có nhiều vấn đề", lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM thông tin.
Cụ thể, các đơn vị đã tính toán giá gốc nếu chuyển các căn hộ tái định cư ở phường Bình Khánh sang căn hộ thương mại sẽ lên 27 triệu đồng/m2, chưa kể các khoản tiền bồi thường, tiền chi phí đất, các chi phí khác theo lãi vay. Đây là mức giá quá cao và không khả thi.
Đối với phương án chuyển các căn hộ tái định cư của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm sang nhà ở xã hội, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, các quy định về nhà ở xã hội rất khắt khe.
Đầu tiên là nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, không tính chi phí sử dụng đất vào trong giá thành. Mặt khác, nhà ở xã hội được tính toàn bộ các chi phí, bao gồm cả chi phí bồi thường nên giá thành sẽ cao. Nhà ở xã hội cũng chỉ được nằm trong khung diện tích 20m2 đến 70m2.
"Khu tái định cư tại phường Bình Khánh chỉ có khoảng 30% căn hộ đáp ứng được khung diện tích này và nằm rải rác ở từng tòa chung cư. Chúng ta không thể bố trí nhà ở xã hội nằm rải rác ở từng tòa", Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin.
Ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin thêm, theo tiến độ dự kiến, thành phố đang chuẩn bị cho công tác đấu giá các lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cuối năm nay, các căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh sẽ được làm thủ tục đấu giá.
Đề nghị ưu tiên các dự án chống ngập, giao thông
Tại hội nghị, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá, kinh tế - xã hội của TPHCM đã phục hồi rõ nét sau đại dịch Covid-19. Việc phục hồi này diễn ra ở tất cả lĩnh vực, tình hình an ninh - trật tự cũng được giữ vững.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục quan tâm về vấn đề an sinh xã hội, chất lượng sống của người dân. Hiện tại, tình trạng kẹt xe, ngập nước, quá tải hạ tầng đòi hỏi thành phố cần nỗ lực nhiều hơn.
"Trên cả nước và tại TPHCM, có nhiều dự án chúng ta thấy rất tiếc. Tiếc vì những dự án này chỉ cần cố gắng thêm một chút là về đích, thêm một chút là thành công, là hoàn thành nhưng đã bị dừng lại. Chúng tôi rất mong thành phố quan tâm, ưu tiên tháo gỡ vướng mắc cho các dự án thuộc tình trạng này", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.