Khốc liệt hạn mặn: Đường sụt, lúa chết, thuyền dưới sông ngỡ đậu trên bờ
(Dân trí) - Hạn hán, xâm nhập mặn đang "tấn công" nhiều địa phương ở miền Tây với mức độ ngày càng khắc nghiệt. Đường sụt, sông cạn, lúa chết, nước sinh hoạt mặn chát... khiến đời sống của người dân lao đao.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 10/3, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bước vào cao điểm của đợt nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn dự kiến kéo dài đến ngày 15/3. Hiện tượng này có thể tác động đến nguồn nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Từ đầu tháng 2 đến nay, tình trạng khô hạn đã làm nhiều tuyến đường bị sụt lún, kênh rạch gần như khô cạn nước. Điển hình tại Cà Mau đã có hàng trăm vị trí sụt lún, sạt lở, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng (Ảnh: CTV).
Những ngày đầu tháng 3, ghi nhận của phóng viên Dân trí, tuyến đường giao thông nông thôn dọc bờ kênh Cây Sộp (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng. Nơi lún nhất từ nền sụt hơn 2m khiến đoạn đường bị biến dạng, hư hỏng hoàn toàn (Ảnh: CTV).
Tuyến lộ ở xã Khánh Hải bị sụt lún dài cả trăm mét. Theo người dân địa phương, tuyến đường mới làm xong khoảng 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Bá (74 tuổi, đội mũ xanh) và bà Đinh Thị Xuân (73 tuổi, mang nón lá) kể, từ nhỏ tới giờ mới thấy tình trạng đường sụt lún kinh hoàng vào mùa khô hạn như thế này.
"Vừa ăn Tết xong, chưa kịp hết vui năm mới thì gặp cảnh đường sụt lún vì khô hạn. Hôm bữa chiều đang đứng trên lộ thì nghe tiếng lụp bụp, chưa kịp hiểu chuyện gì thì lộ bị vỡ rồi lún xuống, may mà tôi chạy kịp không chẳng biết tính mạng ra sao", ông Bá nói (Ảnh: Huỳnh Hải).
Tuyến lộ qua địa bàn ấp Khánh Hưng A (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) bị sụt nghiêng dài hàng chục mét vào ngày 27/2, khiến giao thông bị đứt, xe máy không thể đi lại.
"Rất may các tuyến lộ bị gãy sụp không gây tai nạn thương vong về người", lãnh đạo UBND xã Khánh Hải cho hay (Ảnh: Huỳnh Hải).
Theo chính quyền địa phương, các tuyến lộ phần lớn được xây dựng gần sông, kênh rạch. Thời điểm mùa khô, nắng hạn nên việc bốc hơi diễn ra nhanh cộng với việc bơm nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mặt nước rất lớn làm mất phản áp gây sụp lún.
"Khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh hẹp. Ngoài ra, địa chất yếu, lòng kênh sâu. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sụp lún, sạt lở đất, làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn", lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời thông tin (Ảnh: Huỳnh Hải).
"Để giảm sụp lún, chính quyền địa phương đề nghị người dân đốn hạ bớt cây cối 2 bên bờ để giảm áp lực ở các tuyến kênh", ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, nói về một trong những biện pháp ứng phó sụt lún ở địa bàn lúc này (Ảnh: Huỳnh Hải).
Tình trạng khô hạn không chỉ làm đường giao thông bị gãy sụt, mà khiến nhiều tuyến sông, kênh rạch ở miền Tây nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng cạn nước. Dưới lòng kênh đất khô, nứt nẻ... xuồng ghe như đậu trên bờ (Ảnh: Huỳnh Hải).
Nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt, làm lúa không được nên ông Lê Văn Khéo (53 tuổi, ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) kỳ vọng vào hơn 50ha dưa leo.
"Giờ cố làm sao tận dụng chút nước ít ỏi ở mương gánh lên tưới cho miếng đất, hy vọng đất đủ xốp để gieo hạt. Nếu khô hạn kéo dài coi như xong luôn, không biết dưa sống được không nữa", ông Khéo nói (Ảnh: Bảo Trân).
Ghi nhận tại thủ phủ trồng sả ở huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), mặn xâm nhập khiến một số diện tích trồng sả bị thiệt hại. Nhiều ruộng sả gần đến ngày thu hoạch nhưng bị khô héo do thiếu nước tưới.
Ông Phan Minh Hoàng (ngụ xã Phú Đông) cho biết, năng suất cây sả giảm khoảng 20% do thiếu nước tưới. Thông thường 1ha trong vụ thuận (có nước tưới đầy đủ) bình quân thu được khoảng 18-19 tấn thì ở vụ nghịch năng suất chỉ 16-17 tấn/ha (Ảnh: Bảo Kỳ).
Tại tỉnh Sóc Trăng, hàng nghìn ha lúa đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vì thiếu nước ngọt. Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, từ sau Tết Nguyên đán 2024, độ mặn đo được từ các kênh đầu nguồn duy trì ở mức trên 1,5‰, toàn bộ cống đầu nguồn buộc phải đóng lại để ngăn mặn.
Nông dân huyện Long Phú xuống giống trên 6.000ha lúa vụ 3, hiện tại đã có trên 3.400ha bị thiếu nước, xâm nhập mặn.
"Trước đó do lúa đang có giá cao nên nhà nông chúng tôi làm liều xuống giống vì năm ngoái làm khá trúng. Không ngờ hạn mặn sớm, căng hơn nên thiệt hại", một nông dân Sóc Trăng rầu rĩ (Ảnh: Xuân Lương).
Hình ảnh ghi nhận ở cống ngăn nước mặn, ngọt nằm trên địa bàn xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau); một bên nước mặn đầy kênh, còn bên ngọt hầu như đã cạn kiệt nước (Ảnh: Huỳnh Hải).
(còn tiếp)