Những triệu chứng của ám ảnh sợ xã hội
(Dân trí) - Chứng ám ảnh sợ xã hội là nỗi sợ bị người khác soi mói hay đánh giá. Các triệu chứng thể chất bao gồm đổ mồ hôi, nói lắp, run rẩy, cảm giác buồn nôn và tim đập mạnh.
Omega Plus phát hành Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn của tác giả Kate Summerscale, do Trần Đức Trí biên dịch, gồm 99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania). Cuốn sách thuộc tủ sách Y sinh của Omega Plus.
Những nỗi sợ hãi và cuồng loạn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh từ Ablutophobia (chứng sợ sạch sẽ) đến Zoophobia (chứng sợ động vật), hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể, tiếng ồn, bị cô lập, chạm vào…
Cuốn sách đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, góp phần khai quật lịch sử về sự kỳ lạ của con người từ thời trung cổ đến nay.
Tác phẩm cũng đưa ra những lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.
Chứng ám ảnh sợ xã hội - Social phobia
Ám ảnh sợ xã hội, cũng được biết đến là rối loạn lo âu xã hội, là nỗi sợ bị người khác soi mói hay đánh giá. Các triệu chứng thể chất bao gồm đổ mồ hôi, nói lắp, run rẩy, cảm giác buồn nôn và tim đập mạnh.
Những người mắc tình trạng này có thể sợ các tình huống cụ thể, như là ở nơi đông người hay không gian trống (agoraphobia), đỏ mặt (erythrophobia), nói trước đám đông (glossophobia) hay tiểu tiện ở nhà vệ sinh công cộng.
Năm 1880, tình trạng này vốn được bác sĩ tâm thần người Mỹ George Miller Beard đặt tên là "anthropophobia" hay "chứng ám ảnh sợ con người", một "ác cảm với xã hội, nỗi sợ nhìn thấy, gặp phải, hay hòa vào đám đông, hoặc gặp người khác không phải bản thân mình".
Hình thức này của nỗi sợ bệnh lý, Beard nói, "thường đi cùng việc đảo mắt khi đi hay cúi đầu xuống". Tại Pháp năm 1903, Pierre Janet đã đặt tên cho chứng này là "phobie des situations sociales": chứng ám ảnh sợ hãi các tình huống xã hội.
Ám ảnh sợ xã hội lần đầu được liệt kê là một chứng rối loạn trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Phiên bản thứ 3 (DSM- 3) vào năm 1980, cũng như cho phép những người mắc tình trạng này đòi phí thuốc chữa bệnh từ các công ty bảo hiểm.
Điều này tạo nên sự tăng vọt trong việc chẩn đoán và kê đơn thuốc chống lo âu. Một khảo sát năm 1994 nhận thấy 13,3% người Mỹ chịu ảnh hưởng bởi chứng ám ảnh sợ hãi này tại một số giai đoạn trong cuộc đời, khiến nó trở thành chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất của quốc gia này - và chỉ xếp thứ hai sau chứng trầm cảm và nghiện rượu trong số các bệnh tâm thần.
Dường như vấn đề này có đặc trưng di truyền, với 10% đến 15% dân số cho thấy sự ức chế hành vi khi còn là trẻ sơ sinh - sống nội tâm và thận trọng - có nhiều khả năng mắc chứng ám ảnh sợ hãi xã hội.
Song chứng ám ảnh sợ hãi này có thể được hình thành hay củng cố bởi các bậc phụ huynh bao bọc thái quá hay chửi bới thái quá, hoặc bởi một trải nghiệm gây sang chấn như bị bắt nạt.
Theo một nghiên cứu trong tạp chí The Lancet năm 2008, một nửa số người mắc chứng rối loạn này sẽ mắc nó vào trước năm 11 tuổi và 80% trước khi họ bước sang tuổi 20.
Giống như hầu hết các chứng ám ảnh sợ hãi, việc né tránh vật thể gây ám ảnh sợ hãi - trong trường hợp này, là con người - thì càng gây sợ hãi hơn.
Một số người ám ảnh sợ hãi xã hội đáp ứng tốt với liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp có thể giải quyết những cảm tưởng tiêu cực, sai lệch của họ về đánh giá của người khác, cũng như xu hướng nghiền ngẫm về quá khứ và lo lắng về tương lai của họ.
Ở phương Tây, hướng nội thường được xem là nhược điểm, song các cá nhân có khí chất kín đáo lại được đánh giá cao hơn ở một số nền văn hóa khác: Một nghiên cứu ở Trung Quốc vào năm 1995 nhận thấy những học sinh rụt rè được tin tưởng nhiều hơn bởi bạn đồng lứa cũng như giáo viên, được trao cho trách nhiệm và quyền lực và không có khả năng bị trầm cảm hơn bạn học.
Nhưng một xã hội xem trọng sự dè dặt cũng có thể phát sinh những biểu hiện nhút nhát thậm chí còn trầm trọng hơn. Vào thập niên 1920, bác sĩ tâm thần người Nhật Shoma Morita đã xác định một chứng mà ông đặt tên là taijin-kyôfu, nghĩa là "nỗi sợ liên quan tới người khác".
Những người bị tác động bởi tình trạng này cực kỳ lo lắng việc có thể khiến người khác khó chịu khi giao tiếp bằng mắt với họ, khi đỏ mặt, tỏa ra các mùi không dễ chịu, cau có hay đơn thuần là không có duyên. Họ không sợ người khác đánh giá mấy, mà cảm tưởng rằng chỉ cần tồn tại thôi là họ cũng gây ra đau khổ.
Trong cuốn sách Shyness: How Normal Behavior Became a Sickness (Ngượng ngùng: Cách hành vi bình thường trở nên bệnh hoạn, 2007), Christopher Lane mô tả cách các công ty dược phẩm thuyết phục Hiệp hội Tâm thần học Mỹ thêm chứng ám ảnh sợ hãi xã hội vào DSM vào năm 1980.
Ông lập luận rằng sự chẩn đoán trong nhiều trường hợp lại biến hóa một đặc điểm cá nhân thành bệnh, xem những người dè dặt, ẩn dật hay trầm lặng là mắc bệnh.
"Trong suốt sáu năm qua", ông viết, "một nhóm nhỏ các bác sĩ tâm thần người Mỹ đã hoàn toàn nhất trí rằng: Sự nhút nhát và một loạt các đặc điểm có thể so sánh là các chứng rối loạn lo âu và nhân cách.
Và chúng không bắt nguồn từ những xung đột tâm lý hay căng thẳng xã hội, mà là từ sự mất cân bằng hóa học hay những chất dẫn truyền thần kinh bị lỗi trong não bộ".
Lane tin rằng sẽ phải trả giá đắt nếu chữa trị các thói quen, sự lập dị và cảm xúc bình thường của chúng ta.
"Hậu quả đáng buồn," ông nói, "là sự mất mát vô cùng rộng lớn của phạm vi cảm xúc, mà có lẽ không thể hồi phục được, sự nghèo nàn trong trải nghiệm của nhân loại".