Hàng nghìn người tham gia lễ rước kiệu Phật ở TPHCM
(Dân trí) - Tối 15/5, hàng nghìn tăng ni, Phật tử trên địa bàn TPHCM tham gia lễ rước kiệu Phật từ Tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự (quận 10).
Tối 15/5, hàng nghìn tăng ni, Phật tử trên địa bàn TPHCM đã tham gia lễ rước kiệu Phật từ Tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự (quận 10). Lễ rước là sự kiện tâm linh đánh dấu sự khởi đầu của Tuần lễ Phật Đản Phật lịch 2568 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại TPHCM.
Lễ rước kiệu Phật từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự (quận 10) với quãng đường hơn 1km đi qua các tuyến đường: Sư Vạn Hạnh, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, 3 tháng 2.
Hàng nghìn tăng ni, Phật tử TPHCM tham gia lễ rước kiệu Phật tối 15/5.
Các phật tử mang cổ phục để di chuyển theo đoàn rước.
Hai bên đường, hàng nghìn Phật tử đứng xếp hàng cung kính đón đoàn rước ngang qua.
"Tham gia lễ rước Phật là một trải nghiệm tuyệt vời và ý nghĩa trong mùa Phật đản. Đây cũng là dịp để Phật tử tề tựu về bên nhau, cùng nhau tỏ lòng thành kính đến Đức Phật", một người dân nói.
Lễ rước kiệu mừng Phật đản là dịp thiêng liêng, tôn vinh Phật giáo và đồng thời gieo rắc tinh thần hòa bình, nhân quả cho xã hội. Lễ rước kiệu cũng là dịp để thể hiện sự đoàn kết, lòng trung hiếu và thành kính của mỗi người dân với đạo Phật. Đặc biệt, việc kết nối giữa chùa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự qua lễ rước kiệu được coi là việc làm tôn trọng, tạo ra sự gắn kết giữa các tín đồ Phật tử và đồng thời điều này cũng đem lại niềm vui và lòng tin vào con người và tình yêu thương vô bờ bến.
Một sư thầy cúi lạy khi đoàn rước ngang qua.
Dòng xe trên đường Lý Thái Tổ cũng dừng lại, nhường đường cho đoàn rước kiệu.
Khoảng 21h, đoàn rước kiệu Phật đã về đến Việt Nam Quốc Tự.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tiến hành làm lễ khi tượng Phật được an vị.
Sau đó, các phật tử và du khách thập phương cùng nhau thực hiện nghi thức tắm Phật.
"6,7 năm nay, cứ đến mùa Phật đản và Vu lan, tôi cùng các anh chị trong nhà lại đến chùa để tham dự lễ tắm Phật. Đây cũng là dịp để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình", chị Lê Thị Hồng Yến (28 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ.
Đến 22h, hàng dài người vẫn xếp hàng đợi đến lượt tắm Phật tại Việt Nam Quốc Tự.
Theo quan niệm của Phật giáo, mỗi gáo nước tắm Phật thể hiện một nguyện ước: gáo thứ nhất tắm bên vai trái - nguyện bỏ mọi điều ác; gáo thứ hai tắm bên vai phải - nguyện làm mọi điều lành; gáo thứ ba tắm từ đầu gối xuống chân: nguyện độ hết chúng sinh. Nghi thức tắm Phật cũng còn được xem như tắm chính mình để thân tâm an lạc, sạch sẽ.