Cô gái góp sức giúp người Việt chinh phục Thung lũng Silicon
(Dân trí) - Từng được cộng đồng người Việt tại Mỹ giúp đỡ khi "chinh phục" một tập đoàn công nghệ toàn cầu, Ionah Hằng Nguyễn "trả ơn" bằng cách hỗ trợ những đồng hương tỏa sáng ở Thung lũng Silicon.
"Tôi nhận thấy cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ làm trong nhóm ngành kinh doanh ở lĩnh vực công nghệ có kiến thức và rất chăm chỉ, cầu tiến nhưng có thể thiếu một số kỹ năng và đôi khi là mạng lưới quan hệ để bước chân và tỏa sáng trong những công ty công nghệ lớn. Đó là một điều đáng tiếc và đó cũng là một trong những lý do mà Viet Spark ra đời", chị Ionah Hằng Nguyễn, một doanh nhân người Việt sống tại Mỹ, chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Viet Spark là một tổ chức phi chính phủ do chị Ionah Hằng Nguyễn sáng lập ra với mục tiêu là giúp đỡ, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt trong ngành kinh doanh có thể bước chân vào cũng như phát triển trong cách doanh nghiệp công nghệ lớn tại Mỹ.
Ra đời cách đây 4 năm, Viet Spark đã giúp đỡ hàng trăm người Việt đầu quân cho các công ty lớn ở Mỹ, trong đó có những "ông lớn" tại Thung lũng Silicon, khu vực ở phía bắc bang California được xem là trung tâm công nghệ hàng đầu nước Mỹ và thế giới.
Viet Spark cũng đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Tech Summit, được xem là một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất của người Việt tại Mỹ.
Với Ionah Hằng Nguyễn, cựu quản lý sản phẩm cấp cao tại tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Amazon, Viet Spark là ước mơ có thể tạo ra một cộng đồng người Việt trong lĩnh vực công nghệ đoàn kết, cùng hỗ trợ lẫn nhau tiến về phía trước.
Giúp người Việt chinh phục Thung lũng Silicon
Vì sao chị lại quyết định thành lập Viet Spark?
- Đó là một câu chuyện dài. Năm 2018, tôi được nhận vào chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của một đại học top đầu tại Mỹ. Tôi bắt đầu hành trình Mỹ tiến sau khi có một sự nghiệp tương đối ổn định ở Việt Nam với vị trí Trưởng nhóm trải nghiệm sản phẩm tại một công ty công nghệ khởi nghiệp nổi tiếng.
Bước chân sang Mỹ, tôi gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với rào cản ngôn ngữ, văn hóa và môi trường MBA có rất nhiều những người giỏi và sáng giá xung quanh mình. Áp lực thế hệ từng khiến tôi rất căng thẳng, tự ti.
Sau đó, tôi quyết định bước khỏi vùng an toàn và tham gia các hội nhóm của người Việt tại Mỹ, kết nối với cộng đồng MBA của người Việt tại Mỹ.
Tại đây, các chuyên gia người Việt là những người rất thành công, có vị trí cao tại các công ty lớn đã tư vấn cho tôi về các kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, đồng thời tôi cũng có được cơ hội được kết nối với các nhà tuyển dụng.
Nhờ sự giúp đỡ của mọi người và nỗ lực của bản thân, tôi đã có được công việc tại Amazon, một tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới.
Tôi cảm thấy rất biết ơn vì sự giúp đỡ của những người đồng hương xa xứ và nhận thấy tầm quan trọng của một hệ thống hỗ trợ để vượt qua được rào cản và thách thức trong một môi trường mới.
Tôi thấy cảm kích khi nhận thấy mỗi khi tôi cần sự hỗ trợ, cộng đồng người Việt lại chìa tay ra để giúp đỡ tận tình. Và tôi muốn tạo ra những giá trị tương tự cho những người đồng hương khác như một cách để "trả ơn".
Bắt đầu từ việc tổ chức các hoạt động chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho cộng đồng MBA của người Việt, tôi cùng các cộng sự đã tạo ra một môi trường thân thiện để giúp những người có cùng chí hướng kết nối, để học tập, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn.
Đó chính là tiền đề để tôi sáng lập ra Viet Spark vào năm 2020.
Viet Spark đã giúp đỡ cộng đồng người Việt như thế nào trong hành trình chinh phục giấc mơ vào làm việc cho các "ông lớn" công nghệ tại Mỹ?
- Công nghệ là một trong những ngành thu hút nhân tài hàng đầu ở Mỹ. Nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có mong muốn kiếm được việc làm trong ngành này.
Tại Viet Spark, chúng tôi tổ chức chương trình thường niên "Break Into Tech". Đây là chương trình cố vấn trực tuyến, toàn diện, hoàn toàn phi lợi nhuận, kéo dài trong 3 tháng nhằm giúp người Việt có thể kiếm được công việc trong ngành công nghệ Mỹ.
Trong hơn 3 năm tổ chức, Viet Spark đã kết nối khoảng 180 người được cố vấn với 40 chuyên gia thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và công nghệ khác nhau.
Chương trình Break Into Tech 2023 bắt đầu từ cuối năm ngoái đã sắp khép lại, giúp kết nối thêm 40 người tham gia với 10 chuyên gia.
Trong vòng 6 tháng kể từ khi tham gia chương trình, hơn 85% người được cố vấn của Viet Spark cho biết đã nhận được lời mời thực tập/ làm việc toàn thời gian tại nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Apple, Meta, Paypal, Dell, IBM...
Chương trình thường có các hoạt động như cố vấn cách làm hồ sơ xin việc, rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, kết nối người xin việc với nhà tuyển dụng. Chúng tôi rất vui mừng khi chương trình đã đạt được những thành tựu lớn chỉ sau vài năm hoạt động.
Viet Spark đã tạo một sân chơi bổ ích, hiệu quả cho những người Việt làm việc trong nhóm ngành kinh doanh (như marketing, nhân sự, tài chính) tại các doanh nghiệp công nghệ.
Tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất cao ứng viên Việt Nam có thế mạnh trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) nhưng chưa coi nhóm ngành kinh doanh là thế mạnh của người Việt. Vì vậy, trong nhóm ngành này, người Việt thường có ít lợi thế cạnh tranh hơn và không có nhiều người lên được vị trí cao trong các công ty công nghệ lớn.
Chúng tôi muốn thay đổi quan điểm nói trên và muốn người Việt không chỉ vào được các công ty công nghệ mà còn tỏa sáng tại đó. Nhiều người tham gia chương trình của Viet Spark đã có vị trí cao trong các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon và đó là động lực cho chúng tôi tiến bước.
Hoạt động thăm "đại bản doanh" của các công ty công nghệ lớn trong chuỗi sự kiện Tech Summit (Ảnh: Viet Spark)
Tới năm 2022, chúng tôi quyết định tổ chức chuỗi sự kiện Tech Summit. Đây là sự kiện nhằm đem đến cho các bạn sinh viên và những người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ những thông tin, xu hướng mới nhất.
Trong sự kiện năm 2023 tổ chức tại Thung lũng Silicon, chúng tôi có 300 người tham gia. Tại đây, chúng tôi tổ chức các chuyến tham quan thực tế tới trung tâm công nghệ của thế giới, thăm trụ sở của Microsoft và Google, tổ chức các hội thảo về công nghệ, các sự kiện nhằm tăng cường kết nối, tinh thần đoàn kết của người Việt.
Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và các đối tác của chương trình, 15 diễn giả khách mời đến từ các tập đoàn công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp nổi tiếng đã giúp sự kiện rất thành công, tạo tiếng vang lớn và mang lại hiệu quả thực sự cho người tham gia.
Điều gì khiến chị hạnh phúc nhất khi điều hành Viet Spark?
- Trong hành trình này, chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cả những người tham gia và chuyên gia. Khi còn ở Việt Nam, tôi từng làm đồng chủ tịch của USGuide, tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh giúp đỡ người Việt trong mục tiêu học tập tại Mỹ.
Khi đó, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tạo ra được một cộng đồng đoàn kết, cùng hướng tới một mục tiêu lớn và tới khi lập ra Viet Spark, tôi cũng giữ tôn chỉ này.
Tôi có quan điểm rằng đây là việc làm tình nguyện, giúp đỡ cho cộng đồng, chứ không phải vì lợi ích của riêng cá nhân mình. Tôi đã giữ cho mình suy nghĩ này khi đi phát triển mạng lưới chuyên gia hỗ trợ cho cả USGuilde và Viet Spark.
Tôi nhận ra rằng, khi mình thể hiện sự chân thành và mong muốn mang lại lợi ích cho người khác, mình có thể truyền tải năng lượng tích cực này cho những người xung quanh. Các chuyên gia tham gia hỗ trợ USGuilde và Viet Spark là những người Việt thành công và rất bận rộn nhưng khi tôi ngỏ lời mời họ chia sẻ, họ đều sẵn sàng giúp đỡ phi lợi nhuận.
Tôi cảm thấy biết ơn vì tinh thần của hỗ trợ của người Việt đã giúp chúng tôi vượt qua những thách thức trong những ngày đầu thành lập và vận hành một tổ chức phi chính phủ.
Suy nghĩ lớn, ước mơ lớn
Sau 4 năm hoạt động, Viet Spark đã tạo được tiếng vang nhất định trong cộng đồng người Việt ở Mỹ (Ảnh: Viet Spark).
Viet Spark đang nhận được những sự đánh giá, ủng hộ và phát triển tích cực ở Mỹ. Chị có định hướng nào cho tương lai của tổ chức?
- Tham vọng của tôi với sự phát triển của Viet Spark chưa dừng lại. Tôi muốn tập hợp một cộng đồng người Việt làm trong nhóm ngành kinh doanh tại lĩnh vực công nghệ đông đảo hơn nữa, vì điều đó có thể tạo ra sức mạnh, cũng như nhiều cơ hội hơn nữa để người Việt có thể giúp đỡ nhau trên con đường hướng tới thành công.
Thứ nhất, chúng tôi có kế hoạch có thể sẽ mở thêm các chi nhánh của Viet Spark tại các quốc gia khác trên thế giới. Đây là một định hướng đầy tham vọng nhưng chúng tôi tin là khả thi vì tôi hiểu tinh thần hỗ trợ và giúp đỡ đồng hương nhiệt tình của người Việt. Khi mỗi cá nhân trở nên tốt hơn, cả cộng đồng sẽ mạnh mẽ hơn.
Thứ 2, chúng tôi muốn kết nối một cách sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và chuyên gia Việt tại Mỹ. Cách tiếp cận của Viet Spark từ trước tới nay là kết nối giữa người Việt và chuyên gia Việt tại Mỹ.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhiều công ty công nghệ và khởi nghiệp ở Việt Nam muốn hợp tác với các chuyên gia Việt tại Mỹ. Chúng tôi muốn bắc nhịp cầu cho những sự hợp tác này và kỳ vọng kế hoạch sẽ thành công để giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thứ 3, chúng tôi cũng muốn tạo ra mạng lưới kết nối và các mối quan hệ để giúp đỡ cho người Việt có thể khởi nghiệp thành công tại Mỹ.
Trong 4 năm qua, chúng tôi đã giúp nhiều người Việt có các công việc tại doanh nghiệp công nghệ lớn. Nhưng tôi biết nhiều người Việt có tham vọng khởi nghiệp tại Mỹ và Viet Spark mong muốn có thể giúp đỡ họ đạt được những thành tựu trong tương lai.
Chị cho rằng, thách thức lớn nhất của cộng đồng người Việt khi làm việc ở môi trường công nghệ tại Mỹ là gì? Họ cần làm gì để vượt qua thách thức đó?
- Một điều mà chúng tôi luôn ấp ủ và mong muốn giúp đỡ mọi người trong các buổi cố vấn là cách "suy nghĩ lớn và ước mơ lớn". Tôi biết rất nhiều bạn trẻ người Việt có kỹ năng và chuyên môn rất tốt, nhưng họ đôi khi có những nỗi sợ vô hình trong đầu và tự ti.
Tôi cho rằng, điều này có thể kéo lùi họ lại phía sau, khiến họ mất đi những cơ hội để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong đời. Nếu mọi người nghĩ lớn hơn và dám làm những điều có sức ảnh hưởng cao hơn, tôi tin họ có thể thành công hơn nữa trong tương lai.
Ngoài ra, với những người trẻ sang Mỹ để học tập và lập nghiệp, họ đều phải đối mặt với những rào cản về văn hóa, thiếu đi các mạng lưới quan hệ để tạo ra cơ hội phát triển.
Nhiều người trẻ đã có ước mơ đặt chân vào làm việc ở các công ty công nghệ hàng đầu thế giới tại Mỹ. Nếu có một lời khuyên, chị sẽ khuyên họ chuẩn bị những kỹ năng gì?
- Theo tôi, nếu các bạn trẻ muốn vào được các doanh nghiệp công nghệ lớn, họ cần những kỹ năng như xây dựng mối quan hệ, chuẩn bị các kỹ năng mềm.
Một kỹ năng mà tôi muốn nhắc là kỹ năng kể chuyện, và thuyết phục người khác, giao tiếp ngoài khả năng chuyên môn. Để vào được những công ty, bạn phải chứng minh được cho nhà tuyển dụng thấy mình phù hợp với doanh nghiệp và mang lại giá trị cho họ.
Với tôi, chuyên môn công việc là điều kiện cần, còn kỹ năng mềm là điều kiện đủ. Một ứng viên cần phải có đầy đủ những kỹ năng này và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được điều đó, để thuyết phục họ lựa chọn mình cho vị trí công việc.
Ngoài ra, tôi nhận thấy người Mỹ rất tự tin và họ có xu hướng muốn tìm những ứng viên tự tin để làm việc và hợp tác. Người Việt có đức tính khiêm tốn nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng cần thể hiện sự tự tin ra bên ngoài. Nếu chúng ta thực sự giỏi, chúng ta không nên giấu kín hoặc e dè mà phải cho nhà tuyển dụng thấy được điều đó.
Ngoài ra, tôi cho rằng, không phải ai cũng hoàn hảo. Nhưng chúng ta nên tập trung vào việc phát huy các điểm mạnh, thay vì chỉ hướng sự chú ý và lo lắng vào điểm yếu của bản thân. Nếu chúng ta thực sự phát triển các điểm mạnh một cách hiệu quả, điều đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các ứng viên khác.
Lên kế hoạch cho cuộc đời
Được biết, chị đã bắt đầu khởi nghiệp trong thời gian qua? Vậy đây có phải là cách mà chị ước mơ lớn?
- Tôi đã sáng lập một công ty ở Mỹ về board game (một hình thức trò chơi giúp người chơi phát triển tư duy, kỹ năng suy luận, giao tiếp và phán đoán - PV). Tôi đang trong những bước đầu của công việc gọi vốn đầu tư từ cộng đồng (crowd funding) qua các nền tảng lớn như Kickstarter, Indiegogo.
Tôi cũng đã về Việt Nam để tìm đối tác sản xuất cho các sản phẩm này. Nhưng tôi chưa dừng lại ở đây.
Mong muốn của tôi trong tương lai là tạo ra một nền tảng gây quỹ từ cộng đồng nhằm giúp mọi người có thể tung ra các sản phẩm mà họ phát triển lên để kêu gọi vốn đầu tư.
Tôi đã gặp gỡ với nhiều người trẻ Việt Nam có các ý tưởng về board game và muốn hiện thực hóa ý tưởng cũng như bán các sản phẩm này tại Mỹ. Tôi kỳ vọng mình có thể tạo ra một nền tảng trung gian để giúp các đối tác của mình tiếp cận với thị trường quốc tế.
Tôi hiểu đây sẽ là một chặng đường dài và tôi sẽ phải đối mặt với những khó khăn phía trước nhưng tôi muốn đặt niềm tin vào ước mơ lớn của bản thân.
Với kinh nghiệm từ bản thân, chị có lời khuyên gì cho giới trẻ để có thể đạt được các mục tiêu trong cuộc sống?
- Tôi cho rằng mỗi người sẽ có cách riêng để phát triển bản thân, sẽ không có một công thức chung cho tất cả nhưng tôi muốn nêu ra cách mà tôi lên kế hoạch cho cuộc đời mình.
Thứ nhất, tôi cho rằng, cần phải biến công việc trở thành niềm vui. Tôi có xu hướng tìm ra niềm đam mê trong một lĩnh vực cụ thể trong công việc để thực hiện. Khi còn đi làm, tôi thường trình bày và đề đạt với cấp trên về điều mà mình muốn làm và tự tin làm tốt để công việc trở thành một phần của cuộc sống.
Thứ 2, tôi là người làm rất nhiều việc từ khi còn là sinh viên và sau này khi đi làm. Quan điểm của tôi là khi đã làm một việc, chúng ta luôn phải nỗ lực hết mình. Có thể tôi sẽ không đủ thời gian để làm tốt mọi công việc, vì vậy tôi thường đặt ra ưu tiên.
Tại từng thời điểm trong cuộc đời, tôi sẽ ưu tiên thời gian và nguồn lực để thực hiện một mục tiêu nhất định. Tôi gọi đó là lập ra kế hoạch cho cuộc đời mình, chi tiết tới từng tháng, thậm chí từng tuần. Tôi thường đặt ra mục tiêu cho từng khoảng thời gian trong cuộc đời và sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu đó.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!
Lời tòa soạn: Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Họ không chỉ hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại mà còn ngày càng hướng về quê hương, trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Và dù sống ở khắp năm châu, họ vẫn lưu giữ "hồn Việt", tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua nhiều cách nhau.
Báo Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả tuyến bài "Quê hương trong tim", giới thiệu những người Việt, người gốc Việt sống ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn và mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.