Tôi và chứng chỉ IELTS "cấp lậu"
Tôi thi IELTS vào đầu năm 2022, đúng vào thời điểm Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (IDP) chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Tôi hiểu mình là một trong số 56.230 người được cấp chứng chỉ IELTS sai quy định.
IELTS là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, có giá trị trên toàn cầu và được nhiều trường đại học chấp nhận. Cần phải hiểu rằng, việc cấp sai quy định với IELTS mang tính hành chính, thủ tục giữa các cơ quan tổ chức kỳ thi và cơ quan quản lý, chứ không phải bởi chất lượng kỳ thi hay những gian lận trong kỳ thi, ít nhất trong câu chuyện trên.
Chính vì vậy, việc kết quả thi IELTS được cấp sai quy định tại Việt Nam không ảnh hưởng nhiều tới việc nộp học bổng hay xét du học của học sinh, sinh viên. Hơn một năm sau khi nhận tấm bằng IELTS được "cấp lậu", tôi lên đường đi du học cũng như nộp nhiều học bổng khác mà không gặp trở ngại.
Tuy nhiên, với các bạn học sinh trung học phổ thông sử dụng IELTS cho việc xét tuyển đại học hay xét tốt nghiệp, vấn đề trở nên phức tạp hơn. Theo quy định, các chứng chỉ bị cấp sai sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hay đại học tại Việt Nam. Khi nhìn vào quy định này, nếu không được giải quyết ổn thỏa, con số học sinh - sinh viên bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Ngoài 56.230 chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định tại trung tâm IDP, Hội Đồng Anh cũng cấp sai quy định một số chứng chỉ tương đương như vậy.
Nguyên nhân sâu xa của việc hơn 120.000 chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định sẽ cần được làm rõ hơn về địa chỉ trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu theo dõi các vấn đề liên quan đến kỳ thi IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ nói chung tại Việt Nam, phụ huynh và học sinh sẽ nhớ thời điểm trước tháng 11/2022 (và đỉnh điểm là tháng 11/2022) khi hàng loạt đơn vị liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ phải dừng hoạt động thi, kể cả những kỳ thi như tiếng Trung (HSK) hay tiếng Hàn (TOPIK)... Đến tháng 11/2022, cả IDP và Hội Đồng Anh đều thông báo hoãn thi IELTS vô thời hạn, khiến học sinh và phụ huynh trong nước lo lắng. Tuy nhiên sau đó các trung tâm trên được cấp phép tổ chức thi trở lại.
Sau rất nhiều lùm xùm với hàng loạt vấn đề được báo chí phanh phui, phản ánh các tiêu cực tại những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh (thi hộ, gian lận hồ sơ, lộ đề, giả mạo giấy tờ….), thời gian gần đây, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận Hội đồng Anh và IDP vi phạm Nghị định 86/2018, Thông tư 11/2022, đồng nghĩa rằng các chứng chỉ IELTS được cấp trước thời điểm tháng 16/11/2022 là sai quy định.
Nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ và đó sẽ là trách nhiệm của "người lớn". Đối tượng thiệt thòi trong câu chuyện trên là các em học sinh hoang mang về tấm bằng "cấp lậu". Nếu chứng chỉ IELTS của các em được cấp trong giai đoạn đầu năm 2022 và các em sử dụng kết quả đó cho những kỳ thi THPT hay thi đại học, liệu kết quả có được công nhận hay cần phải thi lại?
Theo thông tin trên báo chí vào ngày 9/5, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sẽ được sử dụng bình thường khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng. Đây là cái kết có hậu cho câu chuyện lùm xùm trên. Nhưng thiết nghĩ thông tin về hơn 120.000 chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định cần được minh định cụ thể hơn, như thế nào là "được sử dụng bình thường" và như thế nào là "đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng".
Thông tin rõ ràng sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em học sinh, sinh viên đang có chứng chỉ này, tránh sự tùy tiện trong cách hiểu và áp dụng chính sách.
Yêu cầu các thí sinh trên thi lại hay hủy kết quả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của thí sinh - đa phần đang là sinh viên năm 2 đại học, tốn kém tài chính và sức người, và đáng buồn hơn là giảm lòng tin của người dân vào các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh. Trong khi đó sở hữu một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vẫn là điều quan trọng với nhiều học sinh Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Tôi cho rằng ưu tiên giải quyết những nỗi lo của hơn 120.000 thí sinh với chứng chỉ IELTS được "cấp lậu" quan trọng hơn truy cứu trách nhiệm. Việc giải quyết trên cũng cần sự phối hợp của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, IDP hay Hội đồng Anh.
Với nhiều thông tin "nhiễu" và sai lệch trên mạng xã hội, IDP và Hội đồng Anh cần đưa ra thông báo để trấn an thí sinh, khẳng định rằng chứng chỉ IELTS vẫn có giá trị về mặt chất lượng và có giá trị sử dụng với việc du học, xin việc. Với các thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên "rộng cửa" chấp nhận kết quả thi cho các thí sinh, thông báo về việc kết quả tốt nghiệp, kết quả đại học sẽ không bị hủy.
Điều quan trọng hơn trong câu chuyện, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kịp thời hơn trong việc đưa ra những thông tư quan trọng ảnh hưởng đến các kỳ thi lớn; các trung tâm liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ cần phối hợp tuân thủ chặt chẽ những quy định của cơ quan quản lý, cũng như tăng cường nâng cao chất lượng, tránh gian lận và tiêu cực.
Nhìn vào con số khoảng hơn 120.000 chứng chỉ IELTS được cấp trong một năm, người ta có thể thấy thị trường thi IELTS đang là một ngành nghề kinh doanh lớn như thế nào, chưa kể đến các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh khác. Nếu không quản lý chặt chẽ, chứng chỉ IELTS sẽ mất dần uy tín và chất lượng cũng như không phản ánh được việc học tiếng Anh toàn diện của học sinh Việt Nam.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!