Quyền được thi vào lớp 10
Năm ngoái, tôi làm giám khảo phỏng vấn học bổng Đồng Hành - quỹ học bổng do sinh viên Việt Nam tại Pháp thành lập từ năm 2001 để giúp đỡ sinh nghèo vượt khó ở quê nhà. Tôi ấn tượng với một ứng viên là sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bạn ấy học giáo dục thường xuyên nhưng thi đỗ trường đại học tốp đầu. Học kỳ II năm thứ nhất, bạn giành học bổng của trường nhờ điểm GPA (điểm trung bình các môn học) 3.38.
Nhưng, 5 năm trước, bạn từng bị mất quyền thi vào lớp 10.
Bạn kể, cấp 2 bạn mê game, giáo viên tư vấn bạn không nên thi lớp 10. Gia đình không có điều kiện kinh tế, mẹ làm công nhân, bố đã mất, bạn vào học trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại địa phương.
Lớp 10, bạn gần như không học gì. Lớp 11, đại dịch Covid-19 xảy ra và trường chuyển sang học online, bạn không đi chơi game được nữa. Bạn nói, vì không có gì để làm, bạn chuyển sang học.
Lớp 12, bạn tìm thấy niềm yêu thích với học tập. Bạn đăng ký các khóa học đại trà giá rẻ. Mặc dù lớp rất đông, có khi lên đến gần trăm người, bạn vẫn học được vì xung quanh bạn mọi người đều đang cắm cúi học. Đó là điều mà bạn không thấy được ở trường của bạn.
Vài tháng trước ngày thi tốt nghiệp THPT, bạn xin nghỉ học ở trường để ở nhà học cho tập trung. Kết quả, bạn được trên 25 điểm khối A, trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Những ngày này, khi tình trạng học sinh bị vận động không thi lớp 10 rộ lên tại nhiều tỉnh thành, tôi nhớ đến nam sinh Bách Khoa ấy. Bạn đã không thi lớp 10 công lập vì giáo viên cho rằng bạn không có khả năng. Nhưng sau 3 năm, bạn đỗ vào ngôi trường mơ ước của rất nhiều học sinh THPT công lập.
Tất nhiên, không ai có thể quay ngược thời gian để thao tác lại các bước đi hòng cho ra một nghiệm khác. Cũng không ai dám chắc rằng nếu bạn thi lớp 10 thì bạn sẽ đỗ, và nếu học THPT thì bạn vẫn đỗ Đại học Bách Khoa. Song bạn là một ví dụ cho thấy, khi được khơi dậy tình yêu với học tập, người ta có thể gỡ bỏ giới hạn của chính mình để đạt thành tích vượt trội.
Mỗi mùa tuyển sinh đến, giáo viên phải làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sau THCS. Nhưng trên thực tế, công tác phân luồng đang được thực hiện theo cách đặt thêm giới hạn cho học sinh thay vì dẫn dắt các em tìm kiếm lựa chọn phù hợp mà không từ bỏ khát khao học tập.
Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội những tâm tư bức xúc của phụ huynh mỗi khi nhận tư vấn không thi lớp 10 từ thầy cô. Điều quan trọng là, phân luồng và không thi lớp 10 công lập là hai việc hoàn toàn độc lập, tách biệt.
Việc học sinh thi lớp 10 công lập không ảnh hưởng tới công tác phân luồng. Bởi chỉ tiêu công lập chỉ có chừng đó. Học sinh không đỗ công lập sẽ lựa chọn học trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Cho nên, có lý do để phụ huynh đặt câu hỏi với thầy cô, nhà trường khi tư vấn, vận động, thậm chí ép các em không thi, rằng mục đích sâu xa là vì học sinh hay vì thành tích của nhà trường.
Ở góc độ lợi ích học sinh, việc không thi lớp 10 thiệt nhiều hơn lợi. Thiệt vì các em mất đi một cơ hội thử thách bản thân. Thiệt vì các em không có động lực phấn đấu. Thiệt vì các em sẽ có tâm lý dừng việc học. "Có thi đâu mà học", phần đa học sinh sẽ suy nghĩ như vậy.
Thậm chí, phụ huynh còn lên diễn đàn "tố" giáo viên đã tư vấn cho học sinh không thi lớp 10 nhưng vẫn yêu cầu học lớp tăng cường để củng cố kiến thức. "Không thi thì còn học làm gì", chính phụ huynh cũng suy nghĩ như vậy.
Cách thức tư vấn hướng nghiệp, phân luồng không thấu đáo dẫn tới quan niệm sai lầm của học sinh lẫn phụ huynh về học nghề, học giáo dục thường xuyên, rằng đó là nơi dành cho những người lười học, không có khả năng học tập. Bất chấp sự thực là, học nghề không dễ và không dành cho người lười biếng.
Một phụ huynh nói với tôi, họ được tư vấn nên cho con học trường nghề vì không phải học nhiều, không có áp lực học hành, ra trường vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề. Nhưng làm sao có thể học hai bằng song song mà không cần học nhiều? Và làm sao có thể học một nghề cho thuần thục mà không cần phải cố gắng, nỗ lực?
Phân luồng là để học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai, lựa chọn môi trường phù hợp với năng lực của bản thân, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, nguyện vọng cũng như nhu cầu xã hội, rút ngắn thời gian tới đích, chứ không phải gom những người học kém vào một chỗ vì không có khả năng đỗ lớp 10 công lập.
Vĩnh Phúc là địa phương điển hình về việc làm tốt công tác phân luồng sau THCS nhưng vẫn đảm bảo quyền được thi lớp 10 công lập của học sinh. Năm 2023, tỷ lệ học sinh thi lớp 10 của tỉnh là 92,33%. Con số này ở Hà Nội chỉ khoảng 80-82%. Trong khi đó, chỉ tiêu công lập ở hai địa phương tương đương nhau, ở mức 60-62%.
Học sinh tốt nghiệp THCS ở Vĩnh Phúc dù tham gia học nghề, học chương trình giáo dục thường xuyên hay trường ngoài công lập đều được vận động, hướng dẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để lấy kết quả xét tuyển theo nguyện vọng.
Để loại bỏ tình trạng các trường ép học sinh ký đơn cam kết không thi vào 10, từ năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Học sinh, phụ huynh được trao quyền đăng ký tuyển sinh tự nguyện bằng tài khoản định danh mà không phải nộp đơn thông qua nhà trường.
Với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, cách làm của Vĩnh Phúc có thể triển khai tại nhiều địa phương một cách thuận lợi, trong đó có những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!