Giải pháp cho thị trường vàng: Gốc của vấn đề
Các vấn đề liên quan đến vàng hiện nay ở Việt Nam là do cách nhìn và tư duy chính sách chỉ tập trung những chi tiết cụ thể hay phần ngọn của chúng. Trái lại, khi nhìn vào bản chất hay cái gốc của vấn đề thì giải pháp sẽ căn cơ và khả thi.
Chúng tôi cho rằng Nhà nước nên tạo điều kiện để thị trường hoạt động tự do ở mức cao nhất có thể. Ở góc độ chính sách tiền tệ và ổn định hệ thống tài chính thì việc cần làm là có các quy định về đảm bảo an toàn và giám sát thận trọng khi các tổ chức tài chính tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng. Việc này sẽ tránh được rủi ro như đã xảy ra với hệ thống tài chính trước đây.
Dưới đây là các vấn đề làm cơ sở cho việc đưa ra chính sách để thị trường vàng hoạt động tự do nhất có thể.
Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam đã liên thông với thị trường thế giới. Do vậy, các chính sách tác động đến giá vàng trong nước sẽ không có tác dụng trừ việc xóa bỏ chênh lệch không đáng có giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới do sự bất cập của chính sách gây ra.
Số liệu thống kê của Hội đồng vàng Thế giới cho thấy, trong nhiều năm qua (bất kể khi vàng được nhập khẩu bình thường hay hạn chế nhập khẩu chính thức) thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tiêu thụ vàng nhiều trên thế giới.
Song, mức tiêu thụ vàng bình quân đầu người của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực với các đặc điểm văn hóa, kinh tế xã hội tương đồng chứ không có biến động hay bất thường.
Thêm vào đó, kết quả phân tích định lượng của chúng tôi cho thấy giá vàng trong nước liên thông gần như hoàn toàn với giá vàng thế giới. Chênh lệch giá vàng nhẫn với giá vàng thế giới phản ánh chi phí giao dịch (rủi ro) với vàng nhập lậu. Chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới và vàng nhẫn là do chính sách lựa chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Chính sách này có thể tạo ra một khoản thu ngân sách cho nhà nước.
Tuy nhiên, chi phí của những tác động đến tâm lý xã hội, các vấn đề vĩ mô có lẽ cao hơn rất nhiều so với khoản thu ngân sách trên mà bản chất của nó không tăng giá trị cho cả xã hội và chỉ chuyển từ túi này sang túi khác mà thôi.
Điều cần lưu ý là trong kinh tế thị trường, những cơn sốt giá và nhiều người đổ xô vào những loại hàng hóa đang sốt luôn xảy ra, điển hình nhất là bất động sản, chứng khoán, tiền số và vàng. Đây là quy luật thông thường của kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ nên quan tâm đến những yếu tố mà chúng gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung của toàn xã hội và có thể giảm thiểu tác động của chúng mà thôi.
Thứ hai, quy mô của thị trường vàng là nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến cả nền kinh tế khi đặt trong bức tranh tổng thể. Do vậy, rủi ro là không đáng kể khi để vàng vận hành theo các quy luật thị trường.
Ước tính của chúng tôi cho thấy, hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam có khoảng 2.000 tấn vàng, cao hơn rất nhiều con số 400 tấn hay được sử dụng. Tuy nhiên, với con số này, vào cuối năm 2023 giá trị của chúng chỉ bằng hơn 30% GDP, chiếm chưa đến 7% trong danh mục tài sản nắm giữ thông thường của người dân gồm (bất động sản, tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, vàng, tiền số và đầu tư bảo hiểm).
Điều cần lưu ý là với một quy mô khiêm tốn như trên và nền kinh tế theo hướng tiếp tục phát triển thì như các nền kinh tế khác trên thế giới, hầu hết lượng vàng hiện có sẽ nằm mãi trong các hộ gia đình và sẽ ngày một gia tăng. Do vậy, tính khả thi của các giải pháp huy động số vàng này như thường xuyên được trao đổi là gần như bằng không.
Thứ ba, Việt Nam đã có kinh nghiệm tự do hóa các thị trường để đạt kết quả tích cực, trong khi nỗ lực quản lý theo cách thức chặn dòng của nhà nước thường phản tác dụng.
Trước Đổi Mới, Việt Nam đã cố gắng kiểm soát tất cả các thị trường hàng hóa với một lực lượng quản lý thị trường hùng hậu. Điển hình nhất là thị trường lương thực, thực phẩm. Rất nhiều giải pháp và chính sách đưa ra, nhưng khoảng cách giữa giá thị trường và giá nhà nước mong muốn vẫn luôn giãn cách. Nghiêm trọng hơn là thị trường bị bóp méo tạo ra rất nhiều hệ lụy cho cả xã hội.
Trái lại, khi nhà nước để thị trường lương thực cũng như các loại hàng hóa khác được tự do và nhà nước có những chính sách để thị trường hoạt động lành mạnh thì hàng hóa trở nên dồi dào, thị trường cân bằng và tạo tác động tích cực cho cả xã hội. Với một cách tiếp cận hợp lý thì Việt Nam có thể giải quyết vấn đề thị trường vàng hiện nay.
Tóm lại, với thị trường vàng hiện nay, các công cụ quản lý hành chính như thời bao cấp nên được thay thế bằng công cụ thị trường thì thị trường vàng sẽ hoạt động lành mạnh và nhà nước sẽ không mất nhiều nguồn lực cho những vấn đề cụ thể. Nhà nước nên để các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức thay vì vàng chủ yếu là nhập lậu. Nên bỏ thương hiệu độc quyền SJC và thay vào đó, nhà nước nên chuẩn hóa vàng miếng như cách thức chuyển từ hợp đồng kỳ hạn (forward) sang hợp đồng tương lai (future) trong mua bán ngoại tệ và các loại hàng hóa khác.
Tác giả:
* Ông Huỳnh Thế Du có bằng thạc sĩ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy và bằng tiến sĩ tại Trường Kiến Trúc Harvard. Ông từng làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 1996-2005; giảng viên thỉnh giảng Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông gồm: kinh tế đô thị và bất động sản, phát triển cơ sở hạ tầng, và tài chính ngân hàng.
* Ông Nguyễn Xuân Thành là giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam; Cán bộ nghiên cứu cao cấp, trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard, Mỹ. Ông là tác giả và đồng tác giả nhiều báo cáo và tư vấn chính sách về kinh tế vĩ mô cho các cấp chính quyền trung ương và địa phương tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!