Tiểu ra máu, dấu hiệu báo động cần tầm soát ung thư bàng quang
(Dân trí) - Theo BS. Đỗ Quang Minh, Trưởng khoa Tiết niệu và Nam khoa, bệnh viện FV, ung thư bàng quang giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi với tiên lượng sống cao. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan, phát hiện bệnh trễ, khiến việc điều trị khó khăn.
Sợ phẫu thuật ung thư bàng quang, người đàn ông 63 tuổi suýt mất mạng
Cách đây 6 năm, ông N.V.H (63 tuổi, quê Đồng Tháp) thường xuyên tiểu ra máu. Ông đi khám thì phát hiện bị ung thư bàng quang, được bác sĩ chỉ định mổ. Lo sợ đụng chạm dao kéo, ông đến nhiều bệnh viện khác nhau để tìm phương pháp điều trị thay cho mổ.
Đến tháng 9/2022, bị các cơn đau hành hạ ngày đêm, ông đến khám tại Bệnh viện FV. Khám cho ông H., bác sĩ Đỗ Quang Minh, Trưởng khoa Tiết niệu và Nam khoa nhận thấy bệnh của ông đã sang giai đoạn 3, bướu xâm lấn tới niệu đạo và tuyến tiền liệt. Nếu không được phẫu thuật, khối u sẽ phát triển, gây tắc 2 niệu quản, bí tiểu, khiến bệnh nhân đau đớn, khổ sở.
Sau nhiều tháng chần chừ, cuối cùng ông H. quyết định điều trị. Ông được chỉ định hóa trị 3 chu kỳ tại Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng. Tiếp theo, bác sĩ Minh và ê-kíp thực hiện phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, nạo vét hạch, loại bỏ hết tế bào ung thư, sau đó chuyển lưu nước tiểu ra thành bụng bằng một ống ruột non.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của ông H. ổn định. Ông được chỉ định tái khám 3 tháng 1 lần. "Những bệnh nhân điều trị thành công ở giai đoạn 4 tiên lượng sống 5 năm lên tới 70%. Nếu điều trị sớm hơn khi bướu chưa xâm lấn, có lẽ bệnh nhân H. không phải cắt bỏ bàng quang, việc điều trị cũng dễ dàng hơn và tiên lượng sống tốt hơn. Vì vậy, bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh không nên chần chừ trong điều trị", bác sĩ Minh cho biết.
Tái tạo bàng quang mới từ ruột non cho bệnh nhân ung thư
Bệnh ung thư bàng quang tiến triển âm thầm, thường được phát hiện qua thăm khám khi bệnh nhân có dấu hiệu tiểu ra máu. Bác sĩ Minh cho biết, phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị có thể chữa khỏi căn bệnh này.
Tuy nhiên, không ít trường hợp vì nỗi sợ đụng dao kéo đã khiến cho bệnh trở nặng, đến khi bàng quang bị khối u xâm lấn, bí tiểu, gây đau đớn mới hợp tác với bác sĩ thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn trễ.
Không ít trường hợp khi điều trị, bác sĩ phải cắt toàn bộ bàng quang và tái tạo lại bàng quang làm từ ruột để thay thế. Ruột được rạch một đường dọc, cuộn lại khâu thành một cái "túi"; tiếp theo, hai ống từ thận được nối xuống bàng quang mới và phần dưới của bàng quang được nối với 2 ống dẫn nước tiểu của niệu đạo. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể đi tiểu bình thường bằng đường tự nhiên.
"Tổng cộng có 3 miệng nối vào bàng quang mới, vì thế nguy cơ biến chứng do xì mối nối rất cao. Tỷ lệ biến chứng 37%, chưa kể tỷ lệ mổ lại và tỷ lệ tử vong do xì mối nối. Việc tái tạo bàng quang mới rất công phu và dễ có biến chứng nguy hiểm nên không nhiều bác sĩ theo đuổi phẫu thuật này", bác sĩ Minh cho biết.
Một ca phẫu thuật ung thư bàng quang kéo dài 7-8 tiếng, phẫu thuật viên thường mất đi sự tỉnh táo ở các khâu cuối, do vậy tai biến thường xảy ra ở cuối ca mổ. Với kinh nghiệm thực hiện hàng trăm ca ung thư bàng quang, bác sĩ Đỗ Quang Minh thường chia công việc trong ca mổ một cách khoa học.
"Các ca phẫu thuật ung thư bàng quang tại FV thường có sự hỗ trợ của các chuyên khoa. Cụ thể phần cắt và nối ruột non sẽ được thực hiện bởi ê-kíp bác sĩ ngoại khoa, nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đồng thời bác sĩ mổ chính cũng tiết kiệm được sức cho công đoạn khó khăn nhất. Do vậy, các ca phẫu thuật ung thư bàng quang tại FV chưa từng gặp biến chứng", bác sĩ Minh giải thích.
Ung thư bàng quang: điều trị sớm, kết quả cao
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính tại cơ quan tiết niệu, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 3 lần nữ giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này là hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất độc hại, viêm bàng quang mạn tính...
Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh ung thư bàng quang tương đối cao. Do vậy, khi thấy các biểu hiện tiểu ra máu, mọi người cần đi tầm soát bằng phương pháp nội soi sinh thiết bàng quang.
Theo bác sĩ Minh, ung thư bàng quang có 4 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, khối u nằm lớp nội mạc của bàng quang, chưa xâm lấn lớp cơ của thành bàng quang do vậy việc điều trị đơn giản bằng mổ nội soi. Các giai đoạn muộn việc điều trị khó khăn, có thể phải cắt bỏ bàng quang thậm chí giai đoạn 4 bướu đã di căn xa tới các cơ quan khác của cơ thể.
Bác sĩ Minh khuyên người bệnh cần hợp tác với bác sĩ để điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn cho việc điều trị.
FV là bệnh viện đa chuyên khoa được trang bị máy móc hiện đại theo đúng tiêu chuẩn y tế quốc tế JCI, cùng đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Việc điều trị ung thư bàng quang tại FV được phối hợp đa chuyên khoa, giữa khoa Niệu và Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, tăng cơ hội chữa khỏi, rút ngắn thời gian điều trị.
Đặc biệt, bác sĩ Đỗ Quang Minh là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về điều trị ung thư đường tiết niệu, từng phẫu thuật và điều trị thành công cho hơn 300 ca ung thư bàng quang. Tìm hiểu về điều trị ung thư bàng quang tại Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ số điện thoại: (028) 54 11 33 33.