Dấu hiệu cơ thể sắp ngừng sản xuất trứng chị em cần biết

Hà An

(Dân trí) - Với những trường hợp bị suy buồng trứng sớm, cách duy nhất để có thể mang thai là can thiệp hỗ trợ sinh sản càng sớm càng tốt trước khi những quả trứng cuối cùng bị lão hóa, suy thoái.

Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản. Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000-400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường "chạm đáy" ở độ tuổi 45-50, khi đó phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng có khoảng 9-24% trường hợp cần hỗ trợ sinh sản bị suy giảm buồng trứng. Tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê song số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều. Khi bị suy giảm buồng trứng sớm, có người sau 1-2 năm đã mãn kinh, có người may mắn kéo dài được vài năm.

Dấu hiệu cơ thể sắp ngừng sản xuất trứng chị em cần biết - 1

Suy buồng trứng sớm ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm mẹ của chị em (Ảnh: Myhealth).

Theo BS Nguyễn Phúc Hoàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây suy giảm buồng trứng ở người trẻ. Các nghiên cứu gần đây phát hiện nó có liên quan đến yếu tố gia đình. Ngoài ra, những bệnh nhân đang điều trị hóa trị, xạ trị ung thư cũng có thể bị suy buồng trứng hoặc những người lạm dụng bia rượu, thuốc lá, stress kéo dài… cũng có nguy cơ cao hơn người khác.

Khoa học chưa tìm ra thuốc hay biện pháp điều trị với những trường hợp bị suy buồng trứng sớm. Cách duy nhất để có thể mang thai là can thiệp hỗ trợ sinh sản càng sớm càng tốt trước khi những quả trứng cuối cùng bị lão hóa, suy thoái.

BSCKI Hồ Văn Thắng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với các dấu hiệu điển hình là:

- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh ít dần, kinh thưa không đều thậm chí mất kinh.

- Giảm ham muốn tình dục, khô rát âm đạo.

- Rối loạn vận mạch: Bốc hỏa, nóng bừng mặt, hay đổ mồ hôi trộm.

- Ngoài ra còn có biểu hiện rối loạn tiết niệu, loãng xương, khó tập trung, dễ kích động…

Tuy nhiên, có những trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ, không có triệu chứng gì, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi thăm khám vì hiếm muộn.

Để phòng ngừa suy buồng trứng sớm, phụ nữ nên:

- Thăm khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản ngay khi có các dấu hiệu bất thường hoặc định kỳ 6 tháng/lần để có thể sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng.

- Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục, sử dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Khi có các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa cần can thiệp điều trị triệt để, tránh tái đi tái lại.

- Hạn chế, phòng tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, phóng xạ.

- Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, cocaine, các chất gây nghiện…

- Có chế độ sinh hoạt và làm việc cân đối khoa học, hạn chế tối đa các căng thẳng, áp lực quá mức đặc biệt là tránh các stress tâm lý kéo dài.

- Tập thể dục đều đặn, giữ trọng lượng cơ thể cân đối.

- Có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, cân đối và đa dạng. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi… vì đây là những thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể đồng thời nên uống nhiều nước.

- Không lạm dụng các loại thuốc nội tiết không rõ nguồn gốc hoặc không theo chỉ định của bác sĩ.

Các trường hợp phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản có bệnh lý ở buồng trứng cần phẫu thuật hoặc chuẩn bị điều trị ung thư nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản trước khi tiến hành điều trị.

Khi bạn nhận thấy bản thân mình có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên đây thì nên đi khám để được các bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm