TPHCM:
Cấp cứu thai nhi bị đẩy lệch sang một bên bụng mẹ vì khối u 1,5kg
(Dân trí) - Khối u siêu to chèn ép khiến thai nhi bị đẩy lệch sang một bên bụng mẹ thời điểm gần đến ngày dự sinh. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ rất khó khăn trong việc tìm đường vào để lấy em bé.
Sản phụ V.A. (29 tuổi, quê Vũng Tàu) có tiền sử bị nhân xơ tử cung với kích thước nhỏ không đáng kể. Trong quá trình mang thai, nhân xơ đã phát triển to lên và chèn ép thai nhi.
Khi thăm khám ở một cơ sở y tế, sản phụ cho biết các bác sĩ khuyên nên bỏ thai để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ, cơ hội có thai lần khác có tỷ lệ khoảng 70%. Tuy nhiên, chị A. và gia đình vẫn quyết tâm tìm kiếm thêm hy vọng giữ em bé.
Qua giới thiệu của người thân, sản phụ đến một bệnh viện ở TPHCM để tìm cách giữ em bé.
Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ sản của bệnh viện cho biết, thời điểm vào viện, chị A. mang thai khoảng 2 tháng và có nhân xơ tử cung (khối u lành tính ở tử cung) kích thước 10cm. Quá trình mang thai, một phần dinh dưỡng từ mẹ nuôi nhân xơ, một phần nuôi em bé. Do đó, quá trình phát triển của em bé cũng song song với sự phát triển của nhân xơ.
Trong suốt thai kỳ, các bác sĩ đã kiểm soát tốt khối u cũng như sức khỏe của mẹ và bé. Khi gần đến ngày dự sinh của sản phụ, nhân xơ tử cung đã phát triển khá to, khiến em bé bị đẩy lệch sang hẳn một bên bụng mẹ. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ vừa mổ bắt con, vừa bóc tách nhân xơ.
Trong lúc phẫu thuật, ekip điều trị rất khó khăn trong việc tìm đường vào để lấy em bé. Sau khi đưa con chị A. chào đời an toàn, các bác sĩ thấy trên cơ thể sản phụ lộ diện hai nhân xơ: Một nhân xơ có kích thước 6-7 cm và một nhân xơ khác to gần bằng tử cung mang thai.
Các bác sĩ tiếp tục cẩn thận lấy 2 nhân xơ, sau đó may vết thương, phục hồi tử cung cho sản phụ. Đáng chú ý, khối u lấy ra nặng đến 1,5kg. Cuộc mổ kép diễn ra thành công, lượng máu mất đi rất ít nên sản phụ không phải truyền máu. Hiện tại, mẹ con chị A. đều phục hồi nhanh chóng.
Theo bác sĩ Thủy, nếu sản phụ phát hiện có khối nhân xơ tử cung hay u nang buồng trứng khi đi khám thai, các nhân viên y tế sẽ theo dõi, đánh giá khối u lành hay ác. Nếu là u lành, bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe cho đến cuối thai kỳ, sau đó có hướng xử lý sau thời kỳ hậu sản.
Trong trường hợp khối u chèn ép hoặc gây cản trở em bé, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp mổ sinh và xử lý luôn khối u nếu thuận lợi, để bảo đảm không gây các tai biến (như băng huyết sau sinh) cho sản phụ.
Bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phụ khoa và sức khỏe sinh sản, bằng cách tầm soát sớm, khám tiền sản để phát hiện và dự phòng kịp thời những nguy cơ có thể xảy ra.