Hơn 5.000 tỷ đồng được Tập đoàn Tâm Lộc Phát huy động như thế nào?
(Dân trí) - Để mở rộng mạng lưới, Khuyên và đồng phạm đưa ra đãi ngộ trả tiền hoa hồng cao cho những môi giới mời chào được các nhà đầu tư mới, đồng thời chiết khấu cho những văn phòng đại diện.
Ngày 25/4, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Khuyên (41 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát), Bùi Thị Minh Nguyệt (56 tuổi) và Văn Đình Toàn (42 tuổi, cùng là Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, tháng 6/2019, 3 bị can trên thành lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát, do Khuyên đại diện pháp luật với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Đến ngày 8/6/2021, công ty tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, dù không có hoạt động góp vốn. Cuối năm 2022, các bị can đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát.
Thời gian đầu hoạt động, Khuyên mời thêm một số người quen về công ty làm, rồi thống nhất sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của các nhà đầu tư.
Khuyên cho phát triển mạng lưới môi giới tìm kiếm nhà đầu tư và quảng cáo tiền của các nhà đầu tư được đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Khuyên đưa ra đãi ngộ trả tiền hoa hồng cao cho những môi giới mời chào được các nhà đầu tư mới. Nhóm bị can đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng (9,6%/ tháng tính cả gốc và lãi; riêng tiền lãi là 2,93%/ tháng) để thu hút các nhà đầu tư góp vốn, nộp tiền.
Đồng thời, các bị can còn trả lợi nhuận cho nhóm môi giới theo hình thức "đa cấp". Cấp Văn phòng F1 tại Miền Bắc (có khoảng 50 văn phòng, mỗi văn phòng có 5 người) được hưởng lợi 15% giá trị hợp đồng ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng và nộp tiền.
Văn phòng nào giới thiệu để mở thêm được văn phòng khác thì văn phòng giới thiệu sẽ được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới thành lập; đối với trường hợp thứ cấp F2, thì F1 sẽ có trách nhiệm chia 10% giá trị hợp đồng và F3, F4 thì cũng sẽ được chia lợi nhuận từ 15%.
Cấp văn phòng F1 tại Miền Nam, được hưởng lợi 25% giá trị hợp đồng của những khách hàng do văn phòng Miền Nam tìm kiếm được.
Tại công ty, Khuyên chịu trách nhiệm điều hành chung, đại diện công ty ký hợp đồng, nhận tiền từ nhà đầu tư, môi giới; chỉ đạo việc tổ chức sự kiện để đánh bóng tên tuổi, quảng bá hình ảnh gian dối...
Toàn phụ trách chiến lược phát triển thị trường; tổ chức sự kiện quảng cáo, quảng bá hình ảnh ở các địa phương...
Còn Nguyệt sẽ tìm mua một số mặt hàng, sản phẩm nhằm mục đích thể hiện với các nhà đầu tư rằng công ty có kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng quần áo, dầu ăn, mỳ chính... Đồng thời, Nguyệt cũng phụ trách giảng dạy tại các chi nhánh văn phòng, thu hút các nhà đầu tư, trực tiếp nhận tiền từ nhà đầu tư. Nguyệt được hưởng lợi 20% từ các hợp đồng trực tiếp huy động được.
Tiền thu được từ các nhà đầu tư, sau khi trích 15-25% cho các văn phòng địa phương, số còn lại chuyển cho tài khoản ngân hàng của Khuyên.
Khuyên dùng tiền này để chi trả cho những người đã góp vốn trước đó theo từng đợt; chi tiêu cá nhân, mua một số bất động sản, ô tô; trả lương cho chính Khuyên, Toàn, Nguyệt và các nhân viên khác trong công ty...
Đến tháng 9/2023, Khuyên không thể trả tiền cho nhà đầu tư cũ do không có nhà đầu tư mới. Vì vậy, các bị can bị nhà đầu tư tố cáo.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 6/2019 đến nay, tổng số tiền Khuyên và đồng phạm huy động được từ các nhà đầu tư là hơn 5.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư được xác định mất khả năng thanh toán.
Nhà chức trách cho biết, có 18 bị hại đại diện cho hơn 160 nhà đầu tư, với 322 hợp đồng, đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 61 tỷ đồng.