Công văn "Tối mật" trong email em gái ông Trịnh Văn Quyết có nội dung gì?
(Dân trí) - Quá trình trích xuất dữ liệu lưu trữ của email có địa chỉ huetm@flc.vn, cơ quan chức năng tìm thấy một hình ảnh là công văn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được đóng dấu "Tối mật".
Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, cơ quan chức năng đã xem xét hành vi có dấu hiệu Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) và các đối tượng liên quan.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra vụ án, ngày 29/3/2022, Bộ Công an thi hành lệnh khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email "huetm@flc.vn" của Huế từ máy chủ.
Cơ quan điều tra đã phát hiện tại thời điểm ngày 10/6/2020, email trên có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1 ngày 2/6/2020 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung là "về việc đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, kèm theo Danh sách 6 doanh nghiệp và 5 cá nhân đại diện pháp luật". Phía trên bên trái công văn được đóng dấu "Tối mật".
Ngày 12/9/2023, Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an đã ban hành Kết luận giám định số 7049, kết luận "Mẫu giám định... không phải là tài liệu bí mật Nhà nước tại thời điểm ban hành".
Vì vậy, cáo trạng cho biết hành vi của Trịnh Thị Minh Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Trong vụ án này, Trịnh Thị Minh Huế là kế toán Tập đoàn FLC và là em ruột của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn).
Huế bị cáo buộc trực tiếp nhận chỉ đạo của ông Quyết để thực hiện hoặc chỉ đạo lại các bị can khác thực hiện việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Huế đã giúp sức tích cực để anh trai niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của 30.403 nhà đầu tư chứng khoán.
Cơ quan công tố còn cáo buộc Huế đã thực hiện theo chỉ đạo của anh trai, nhờ 45 cá nhân có quan hệ gia đình, đứng tên lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản tại 43 công ty chứng khoán.
Huế cũng trực tiếp quản lý, sử dụng các tài khoản trên để thao túng thị trường chứng khoán.
Từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Huế sử dụng 190/500 tài khoản chứng khoán và 83 tài khoản ngân hàng để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo; mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở - đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh...
Từ đó, 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC bị tạo cung cầu giả, thao túng giúp ông Quyết thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Huế bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.