Từ chàng trai "đội sổ" ở lớp đến giáo sư toán học ở tuổi 23
(Dân trí) - Sau những đóng góp tích cực trong lĩnh vực toán học, Liu Lu được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức tại Đại học Trung Nam, Trung Quốc.
Liu Lu - sinh viên năm 3 đến từ Đại học Trung Nam, Trung Quốc - đã tham dự Hội nghị Logic Toán học tại Đại học Chicago (Mỹ) và đưa ra báo cáo gây chấn động về giả thuyết Sitapan, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chuyên gia.
Đại học Trung Nam đưa ra quyết định cho phép Liu Lu tốt nghiệp đại học sớm, ghi danh làm nghiên cứu sinh để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Điều đáng chú ý là chỉ sau hơn một năm, anh đã được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức và nhận được phần thưởng một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng).
Thành tích của Liu Lu khiến tất cả giảng viên và sinh viên trong trường đều bất ngờ bởi anh là người có thành tích học tập trung bình và khép kín, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh.
Khi còn học tiểu học, Liu Lu không có sự nổi trội hơn các bạn trong môn toán. Mãi cho đến khi Liu Lu bước vào trung học cơ sở, anh mới dần phát hiện ra rằng, mình có hứng thú với toán học và bắt đầu tự nghiên cứu lý thuyết số.
"Tôi chìm đắm vào việc nghiên cứu toán học thay vì học các môn khác nên kết quả học tập không tốt, gần như luôn đứng cuối. Bố mẹ tôi đều là những người tương đối cởi mở nên sau khi biết chuyện, họ cũng không can thiệp quá nhiều.
Sau khi vào cấp 3, tôi cảm nhận rõ ràng áp lực của mình đã tăng lên rất nhiều. Tuy không nói rõ ràng, tôi cảm nhận được bố mẹ mong muốn tôi có thể học tập bình thường như các bạn và chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Một bên là sự kỳ vọng của bố mẹ, một bên là sở thích đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm nên tôi rất phân vân. Cuối cùng, tôi lựa chọn giảm bớt thời gian nghiên cứu toán học để học các môn thi đại học giống bạn bè", Liu Lu chia sẻ.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, anh đã không làm cha mẹ thất vọng khi đạt được số điểm 575, đỗ vào Đại học Trung Nam. Bước chân vào đại học, cuộc sống của Liu Lu không quá khác biệt bởi nam sinh chỉ thích ở trong thư viện để nghiên cứu kiến thức chuyên môn toán học.
Do quá tập trung nghiên cứu về Giả thuyết Sitapan nên điểm số của Liu ở các môn học khá thấp và có chiều hướng đi xuống. Ngay cả điểm toán của anh cũng thường bị phân cực, đạt điểm tối đa hoặc điểm 0. Bởi khi trả lời các câu hỏi, anh hoặc viết ra rất chi tiết quá trình giải, hoặc trực tiếp đưa ra đáp án trả lời.
Năm thứ hai đại học, Liu Lu vô tình tiếp xúc với logic toán học và quyết định bắt đầu tự học toán nghịch đảo. Trong giai đoạn này, một vấn đề mang tính toàn cầu là Giả thuyết Sitapan đã thu hút sự chú ý và khiến nam sinh vùi mình nghiên cứu để lý giải.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Liu Lu lại rất thích thú và say sưa viết công trình nghiên cứu của mình. Sau khi hoàn thiện, anh đã gửi nghiên cứu của mình đến Tạp chí Logic biểu tượng khiến các học giả vô cùng bất ngờ bởi sự tỉ mỉ, chính xác.
Denis Hans-Gefard - tổng biên tập Tạp chí Logic biểu tượng - đã dành lời khen cho Liu Lu: "Tôi là một trong nhiều nhà nghiên cứu về Giả thuyết Sitapan không đạt được kết quả hữu ích nào trong nhiều năm. Giờ đây, khi thấy một công trình công phu đến từ sinh viên đại học, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và phấn khích".
Sau đó, họ tuyên bố với thế giới rằng, Liu Lu đã giải quyết hoàn toàn Giả thuyết Sitapan. Sự việc này gây chấn động lớn trong giới học thuật, thúc đẩy đáng kể tình trạng nghiên cứu toán học nghịch đảo và lý thuyết tính toán hiện nay.
Liu Lu - người có thành tích xuất sắc - được chọn làm đại diện các trường đại học châu Á tham dự Hội nghị học thuật Logic toán học tại Đại học Chicago. Tại hội nghị, anh say sưa mô tả quá trình phá vỡ Giả thuyết Sitapan trong hơn 40 phút, nhận về sự ủng hộ nồng nhiệt từ những người tham dự.
Ngay sau khi tham dự hội nghị học thuật tại Mỹ cùng Liu Lu, các học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận thấy thành tích xuất sắc của anh nên đã viết thư giới thiệu cho các bộ phận liên quan của Văn phòng Giáo dục.
Để cho phép Liu Lu bước vào lĩnh vực nghiên cứu toán học càng sớm càng tốt, Đại học Trung Nam đưa ra quyết định đồng ý cho anh tốt nghiệp đại học sớm, ghi danh làm nghiên cứu sinh.
Hơn một năm sau, ông Zhang Yaoxue - hiệu trưởng Đại học Trung Nam - tuyên bố Liu Lu được bổ nhiệm làm nhà nghiên cứu cấp cao, trở thành giáo sư chính thức tại Đại học Trung Nam. Quyết định này không chỉ khiến Liu Lu trở thành giáo sư trẻ nhất mà còn nhận được phần thưởng trị giá một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng) để cải thiện điều kiện nghiên cứu khoa học của mình.
Tuy nhiên, ngay khi tin tức được công bố, một số người đã phản đối và cho rằng, điều này hoàn toàn trái ngược với tiền lệ "xếp hạng theo thâm niên" trong ngành giáo dục. Họ bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực của Liu Lu và những giá trị anh có thể cống hiến cho việc nghiên cứu toán học trong tương lai.
Những lời nghi ngờ hay nhận xét tiêu cực không hề ảnh hưởng đến Liu Lu. Anh muốn tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào nghiên cứu toán học để chứng minh rằng, những người thành công sẽ không bao giờ ngừng tiến về phía trước vì một số thành tựu nào đó.