Lao động "chọi" găng để giành suất đi Hàn Quốc
(Dân trí) - Gần 45.000 thí sinh tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt đầu tiên năm 2024, trong khi hạn ngạch phía bạn cấp cho Việt Nam trong năm 2024 là 15.400 người…
Từ 5/3-14/6, kỳ thi năng lực tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 dành cho lao động đi làm việc các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Thanh Hóa.
Năm nay số lao động đăng ký đi Hàn tăng kỷ lục, gần 45.000 người, trong khi phía Hàn Quốc đã phân bổ cho Việt Nam 15.400 người trong năm 2024. Thí sinh ở khu vực phía Bắc dự thi tại Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lao động Sona (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Nửa tiếng trước giờ thi, hầu hết lao động có mặt tại phòng tập trung để xem danh sách, đối chiếu thông tin. Điểm thi Hà Nội bố trí 15.000 lao động dự thi, trong đó có hơn 3.000 lao động đến từ Thanh Hóa và toàn bộ lao động của các địa phương từ Hà Nam trở ra phía Bắc.
Lao động ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng dự thi trước. Từ ngày 25/3 đến 4/6, các đợt thi liên tục dành cho lao động sản xuất chế tạo. Ngành này có số thí sinh đăng ký đông nhất, tới 36.326 người trong khi Hàn Quốc cần 11.246 người.
Chị Hoàng Lưu Ly (Chương Mỹ, Hà Nội) đến điểm thi từ sớm để ổn định tâm lý, tránh hồi hộp, căng thẳng khi thực hiện bài thi. Đang làm việc trong lĩnh vực làm đẹp thu nhập ổn định, cô gái 21 tuổi vẫn quyết định sang Hàn Quốc để được gần chồng.
"Sang Hàn Quốc công việc ổn định, thu nhập cao nên vợ chồng tôi quyết định gửi con nhờ ông bà chăm sóc, đi làm vài năm kiếm vốn sau này về làm ăn", Ly nói.
Mỗi điểm thi có 2-4 giám thị của Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) kiểm tra, nhận diện thí sinh và hướng dẫn thủ tục trước khi vào phòng thi.
Ngoài các biện pháp đã áp dụng trong các kỳ thi trước, năm nay người lao động phải đăng ký định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VneID để phòng chống các hành vi làm giả giấy tờ, tăng cường việc giám sát, tra soát thông tin thông qua ứng dụng này.
Thẻ dự thi của thí sinh có dán ảnh để đối chiếu. Nếu phát hiện việc tráo đổi người để thi hộ, thí sinh sẽ bị hủy kết quả và cấm tham gia kỳ thi năng lực tiếng Hàn trong 4 năm.
Thí sinh được đánh số ký hiệu trên bàn tay phải. Số ký hiệu này tương ứng với số thứ tự máy tính thí sinh ngồi thi. Việc đánh số lên tay để tránh thí sinh đổi chỗ cho nhau trong thời gian thi.
Trung tâm Lao động ngoài nước sử dụng phần mềm tổng hợp dữ liệu tích hợp với máy quét vân tay. Thí sinh sẽ được chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Nếu phát hiện thông tin nhận dạng không trùng khớp, thí sinh sẽ bị dừng làm thủ tục dự thi.
Đến thời điểm hiện tại mới phát hiện 6 người vi phạm trong số 14.870 thí sinh dự thi.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan căn dặn, động viên các thí sinh trong buổi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tiếng Hàn tại Hà Nội sáng 14/5.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) từng bước ứng dụng dữ liệu dân cư vào các kỳ thi tiếng hàn sắp tới nhằm ngăn chặn các hình thức gian lận.
Thí sinh được kiểm tra qua máy dò kim loại trước khi bước vào phòng máy tính. Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) đảm nhiệm khâu ra đề, chấm thi, sắp xếp ca thi, chỗ ngồi, giám thị.
Người lao động thay dép, gửi túi xách trước khi vào phòng máy tính thi trắc nghiệm.
Bên trong và ngoài phòng thi có camera giám sát, kết nối trực tuyến với phía Hàn Quốc trong suốt quá trình thí sinh làm bài.
Người lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc. Sau khi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc.