Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ chở khách lên núi ăn "đặc sản 2 chân"
(Dân trí) - Mỗi ngày Hàng Minh Phúc (26 tuổi) chạy hơn chục cuốc xe chở khách từ dưới chân núi lên các quán gà núi Ma Thiên Lãnh (Hòn Sơn), "đút túi" gần 1 triệu đồng.
Khi đi du lịch tại Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang), ít có ai không thưởng thức món gà núi trứ danh ở hòn đảo hoang sơ này. Tuy vậy, để ăn được đúng loại gà ngon nhất thì du khách phải tìm thuê xe ôm chở lên một quán nhỏ nằm trên lưng chừng trên núi Ma Thiên Lãnh (ngọn núi cao nhất Hòn Sơn, độ cao 450m so với mực nước biển).
Nhờ vậy, nhiều năm nay, dịch vụ chạy xe ôm chở khách đi ăn gà cũng phát triển với hơn 10 thành viên. Người trẻ tuổi nhất là tài xế Hàng Minh Phúc (26 tuổi), người lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 50.
Sau khi thỏa thuận giá cả 40.000 đồng/lượt chở, tài xế Phúc bắt đầu rồ ga, chở khách băng băng trên con đường quanh co như hình xoắn ốc. Thấy khách hoảng sợ, Phúc trấn an: "Chị ngồi sát vào em, tay bám chắc thế mới không té".
Theo nam tài xế, giờ đang là mùa nắng nên đường còn dễ đi vì đường khô ráo. Những tháng mùa mưa, chạy xe trên cung đường này rất nguy hiểm vì đường bám rong rêu, rất dễ trượt bánh.
Càng lên cao, con đường càng hiểm trở. Cách quán gà khoảng 50m có đoạn dốc dựng đứng, lại thêm một cua hình "cùi chỏ" không thấy cuối đường. Phúc gồng người giữ chặt xe, nhấp từ từ thắng tay và chân, vẫn gài số một để giảm tốc độ. Xe xuống dốc chậm gần bằng người đi bộ, song độ dốc lớn nên gần như cả người và xe đều chúi thẳng xuống.
Dù biết chàng xe ôm này là tay lái cừ khôi nhưng du khách vẫn không dám ngoảnh lại phía sau, những khúc cua quá gắt phải nhắm nghiền mắt vì quá sợ hãi. Khoảng 5 phút, Phúc đưa khách đến quán ăn.
Gia nhập đội xe ôm gần 2 năm, tài xế Phúc cho biết, đường lên Ma Thiên Lãnh chia làm 2 đoạn, đoạn đầu là bê tông nên chạy xe lên, đến giữa núi sẽ phải đi bộ bằng bậc thang.
"Dốc núi cao, nhiều khúc cua gắt rất khó bẻ lái, có không ít trường hợp du khách tự chạy xe lên và bị té nên chúng tôi khuyên mọi người nếu đi chơi nên thuê xe ôm chở cho an toàn", Phúc nói.
Chung đội xe ôm với Phúc, anh Lê Hoàng Phương (45 tuổi) cho biết, nghề chạy xe ôm có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày, nhưng trừ hết chi phí thì thu nhập chẳng còn bao nhiêu. Xe phải thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ. Nếu chạy nhiều, trung bình một tuần tài xế thay nhớt một lần, 10 ngày thay bố thắng, cách vài tháng thay nhông sên dĩa.
Anh Phương có 2 đứa con đang học trung học, trước đây, người đàn ông này làm thuê ở các ghe đánh bắt hải sản nhưng cá tôm ít dần, thu nhập không đủ sống anh quay về bờ chạy xe ôm, chở đồ mướn.
"Buổi sáng tôi thường đậu ở bến tàu để chở rau củ hoặc vật liệu xây dựng. Tầm trưa sẽ chở khách đi ăn gà. Làm 2-3 công việc như thế mới đủ xoay sở, nuôi con ăn học. Đôi lúc mệt cũng không dám nghỉ ngơi vì tiền làm được ngày nào ăn hết ngày đó", nam tài xế bộc bạch.
Anh Đỗ Duy Khanh (du khách Cà Mau) bày tỏ, anh cùng nhóm bạn cùng quê lần đầu du lịch ở Hòn Sơn và cũng lần đầu chạy xe lên dốc núi Ma Thiên Lãnh. Ban đầu Khanh định tự chạy xe lên nhưng nghe nói đường dốc, hiểm trở nên nhóm phải thuê xe ôm chở các bạn nữ.
"Con đường lên quán ăn thật sự rất khó đi, khi chạy tôi luôn giữ ga, thắng và đạp số 1-2. Có mấy khúc cua đột ngột làm mình sợ thót tim. Chạy một mình còn thấy nguy hiểm, ấy vậy mà các anh, các chú xe ôm vẫn đều đặn mỗi ngày trên cung đường này chứng tỏ tay lái họ rất vững", nam du khách tán thưởng.