Vì sao có đề xuất điện mặt trời dôi dư phát lên lưới điện hưởng giá 0 đồng?
(Dân trí) - Bộ Công Thương giải thích đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu kết nối lưới điện có giá 0 đồng nhằm khuyến khích phát triển loại hình này, đồng thời ngăn chặn trục lợi chính sách.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Tại dự thảo, một nội dung được rất nhiều người quan tâm là sản lượng điện loại hình này nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Giải thích về đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu kết nối lưới điện có giá 0 đồng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.
Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…
Trong khi đó, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà không phải "tự sản tự tiêu" mà kinh doanh, mua bán thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.
"Chính bởi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí, do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước.
Việc đòi hỏi phải được bán điện cũng là nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống nhưng chưa nhận thức hết được những ích lợi mà Bộ Công Thương đề xuất đối với việc giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, tăng cường khả năng vận hành an toàn cung cấp điện cho lưới điện", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định.
Cơ quan quản lý cũng cho biết cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau. Trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của EVN gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.
Việc điều hành nguồn điện mặt trời sao cho đảm bảo an toàn hệ thống là thách thức rất lớn, do tính không ổn định của dạng năng lượng này. Điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.