1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Châu Âu quyết tâm "cai" khí đốt Nga

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Nga dù hứng chịu các lệnh cấm vận nhưng vẫn xuất khẩu được một lượng lớn khí đốt cho châu Âu. Khu vực này đang cố gắng giảm nhập khẩu để đạt được mục tiêu không phụ thuộc vào Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Các quan chức EU đã kêu gọi hành động phối hợp nhằm giảm nhập khẩu LNG của Nga với tất cả các quốc gia thành viên.

Dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy, các cảng châu Âu nhập khẩu lượng LNG của Nga lớn nhất lần lượt là Zeebrugge ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp, Bilbao ở Tây Ban Nha, Gate ở Hà Lan, Dunkerque ở Pháp và Mugardos ở Tây Ban Nha.

Theo phân tích của các chuyên gia từ dữ liệu xuất khẩu nhiên liệu Nga trong tháng 2, phần lớn trong các thương vụ nhập khẩu của Nga, đặc biệt ở Bỉ, đều sẽ được tái nhập sang Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính đã ghi nhận vào cuối năm ngoái, khoảng 21% tổng lượng LNG của Nga đã được chuyển giao đến châu Âu dưới dạng các lô hàng trung chuyển và không được tính vào số liệu nhập khẩu chính thức.

Từ năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 11%, trong đó nguồn cung sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi và sang Bỉ tăng gấp 3 lần.

Châu Âu quyết tâm cai khí đốt Nga - 1

Tàu chở khí hóa lỏng Boris Vilkitsky của Nga (Ảnh: Reuters).

EU sắp tới sẽ cho phép các quốc gia thành viên ngăn chặn việc nhập khẩu LNG từ Nga mà không cần sử dụng các biện pháp trừng phạt. Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Bỉ đã nói với Financial Times rằng Bỉ đang xem xét các biện pháp để giải quyết vấn đề trung chuyển mà không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha, cho biết họ đang mong có một sự phối hợp mạnh mẽ hơn của châu Âu trong việc xử lý việc nhập khẩu LNG của Nga.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết Tây Ban Nha muốn EU đảm bảo rằng các lô hàng nhập khẩu phải được chặn và không bị chuyển hướng sang các quốc gia láng giềng.

"Sẽ ra sao nếu chúng tôi áp đặt lệnh cấm một cách đơn phương nhưng các lô hàng lại có thể đến tay Pháp?", Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha chia sẻ với Reuters.

Theo FT, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm