Vì sao con người khó quay lại Mặt Trăng?

Minh Khôi

(Dân trí) - Chương trình Apollo đã đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 1969. Vậy tại sao kể từ đó, chúng ta không đưa thêm phi hành gia nào nữa?

Vì sao con người khó quay lại Mặt Trăng? - 1

NASA từng thành công trong lần đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 1969 (Ảnh: Getty).

Từ năm 1969 đến năm 1972, các sứ mệnh Apollo đã đưa tổng cộng hàng chục phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Thế nhưng ở giai đoạn bùng nổ của công nghệ hiện đại như hiện nay, vì sao nỗ lực này lại khó triển khai đến vậy?

Câu trả lời liên quan đến vấn đề ngân sách, chính trị và các hoạt động được ưu tiên.

Chi phí eo hẹp

Đầu tiên là chi phí. Theo Space, các sứ mệnh Apollo đã thành công rực rỡ, nhưng cũng cực kỳ tốn kém.

Cụ thể, vào thời kỳ đỉnh cao, NASA đã tiêu tốn khoảng 5% toàn bộ ngân sách liên bang và hơn một nửa số đó được dành cho chương trình Apollo.

Tính đến tỷ giá lạm phát, toàn bộ chương trình Apollo sẽ tiêu tốn khoảng 260 tỷ USD tính theo thời giá ngày nay.

Vì sao con người khó quay lại Mặt Trăng? - 2

Chặng đường quay lại Mặt Trăng của NASA gặp nhiều khó khăn, phần nhiều đến từ chi phí (Ảnh: Space).

Nếu tính cả dự án Gemini và chương trình robot mặt trăng, vốn là tiền thân cần thiết của Apollo, con số đó lên tới hơn 280 tỷ USD.

Để so sánh, NASA ngày nay chỉ huy động chưa đến 50 phần trăm tổng ngân sách liên bang, với phạm vi ưu tiên và độ phủ rộng hơn nhiều.

Trong thập kỷ qua, NASA đã chi khoảng 90 tỷ USD cho chương trình Artemis. Đương nhiên, với số ít tiền hơn, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu chậm hơn, ngay cả với những tiến bộ về mặt công nghệ.

Chính trị tạo động lực thúc đẩy

Chính trị cũng là một động lực quan trọng, đã thúc đẩy chương trình Apollo đến với thành công trong quá khứ.

Được biết vào những năm 1960, Mỹ và Liên Xô đã cạnh tranh gay gắt trong một cuộc chạy đua vũ trụ, với việc chứng minh cho thế giới rằng quốc gia nào đạt được nhiều thành tựu đầu tiên trong không gian, đặc biệt là đưa con người lên Mặt Trăng.

Vì sao con người khó quay lại Mặt Trăng? - 3

Yuri Gagarin, phi hành gia đầu tiên đi ra khỏi bầu khí quyển Trái Đất (Ảnh: Getty).

Điều này đã tạo động lực cho các nhà lập pháp khi họ gấp rút chỉ đạo mở rộng ngân sách cho các hoạt động không gian của NASA. Để rồi tổ chức này đã thành công đưa con người lên Mặt Trăng.

Tuy nhiên ngay sau khi Mỹ "chiến thắng", công chúng đã nhanh chóng mất hứng thú, và nguồn tài trợ của NASA cũng vì thế mà liên tục sụt giảm.

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, NASA buộc phải kết thúc chương trình tàu con thoi Apollo, và giữ nguyên cơ sở hạ tầng đó để tạo tiền đề cho các sứ mệnh sau này.

Sứ mệnh ngày nay có nhiều yêu cầu hơn

Trong quá khứ, sứ mệnh Apollo đã chi những khoản tiền khổng lồ để đưa phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng trong vài chục giờ. Họ di chuyển, thu thập một số mẫu vật, thiết lập một số thí nghiệm đơn giản, rồi rời đi.

Ngày nay, các nhiệm vụ của Artemis được thiết kế xoay quanh một chuỗi các mục tiêu hoàn toàn khác.

Đầu tiên, các phi hành gia sẽ dành ít nhất một tuần lễ trên bề mặt Mặt Trăng, thay vì chỉ vài giờ đồng hồ. Hoạt động này sẽ đòi hỏi nhiều thức ăn, nước, nhiên liệu và dụng cụ khoa học hơn.

Vì sao con người khó quay lại Mặt Trăng? - 4

Tàu vũ trụ Artemis I Orion được chuẩn bị cho loạt thử nghiệm môi trường tại Trạm Plum Brook của NASA (Ảnh: NASA).

Tiếp theo đó, trong khi sứ mệnh Apollo đề cao mục tiêu chính là đánh bại Liên Xô trong cuộc đua hướng đến Mặt Trăng, thì Artemis lại tập trung nhiều hơn vào các khám phá khoa học, cũng như yêu cầu một thiết kế sứ mệnh dài hơn, phức tạp hơn.

Mục đích của chương trình Artemis cũng không chỉ là đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng, mà đó là tiền đề để bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm duy trì sự hiện diện thường xuyên của con người tại đó.

Theo dự kiến, các sứ mệnh Artemis-2 và Artemis-3 của NASA dự kiến được triển khai vào các năm 2024, 2025/2026 với sự góp mặt của phi hành gia trên tàu.

Trong đó, sứ mệnh Artemis-2 của NASA sẽ chỉ dừng lại ở việc đưa phi hành đoàn bay quanh quỹ đạo của Mặt Trăng.

Đây giống như một bài test ở cấp độ cao dành cho tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion, trước khi chúng được sử dụng cho các nhiệm vụ ở không gian sâu.

Theo www.space.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm