Chúng ta có đang ở thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6?
(Dân trí) - Nếu chúng ta tiếp tục quỹ đạo như hiện tại, thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 là điều không thể tránh khỏi. Đây là điều đã được các nhà khoa học khẳng định.
Các nhà khoa học đã ghi lại 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của Trái Đất. Tại đó, ít nhất 3/4 sự sống đã tuyệt chủng
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đang diễn ra, hoặc đã ở rất gần. Họ mô tả đây là giai đoạn chứng kiến "sự hủy diệt sinh học" và "sự tàn phá cây sự sống" trong các nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại phản biện khi cho rằng giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt vẫn chưa bắt đầu.
GS. Robert Cowie, nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii, là một trong số này. Ông khẳng định chỉ khi nào 75% số loài trên Trái Đất biến mất, thì đó mới là dấu hiệu cho thấy thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra.
Trong một nghiên cứu của mình vào năm 2023, GS. Cowie cho rằng tính từ năm 1500, có 13% các loài được biết đến đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng tuyệt chủng hàng loạt 75%.
"Nó đơn giản là vẫn chưa xảy đến", GS. Cowie nhấn mạnh.
Thế nhưng, câu hỏi là nếu chưa phải bây giờ, thì bao lâu nữa mới diễn ra giai đoạn tuyệt chủng đáng sợ bậc nhất trong kỷ nguyên con người làm chủ thế giới.
Một số nhà nghiên cứu đã ước tính rằng, chúng ta sẽ đạt đến ngưỡng 75% số loài tuyệt diệt trong vòng 10.000 năm. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác thì kết luận rằng chúng ta có thể đạt đến cột mốc nghiệt ngã này chỉ trong vài thế kỷ nữa.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, sự tuyệt chủng hàng loạt xảy ra trong khoảng thời gian địa chất ngắn, tương đương với khoảng 2,8 triệu năm. Thông thường, phải mất hàng thế kỷ, đến hàng thiên niên kỷ để đạt đến ngưỡng tuyệt chủng hàng loạt.
Tuy nhiên, tốc độ tuyệt chủng có thể diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với những gì từng xảy ra trong quá khứ.
Theo GS. Anthony Barnosky tại Đại học California, chúng ta đang chứng kiến cuộc tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong thời gian thực.
Đó là vì các loài hiện nay đang tuyệt chủng nhanh hơn từ 100 đến 1.000 lần so với tốc độ tuyệt chủng thông thường, được tính toán dựa trên thời điểm các loài tiến hóa và tuyệt chủng trong hồ sơ hóa thạch.
"Tôi cho rằng tỷ lệ này sẽ còn tăng lên khi chúng ta có nhiều hành động đe dọa Trái Đất hơn nữa", GS. Anthony Barnosky cho biết.
GS. Barnosky lưu ý rằng tốc độ tuyệt chủng của giống loài phản ánh sự suy giảm nhanh chóng của quần thể đó, và không cần tính đến thời điểm cá thể cuối cùng biến mất.
Theo một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), các quần thể động vật có xương sống như động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư, bò sát và cá được giám sát đã giảm trung bình 69% trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2018.
GS. Barnosky mô tả sự suy giảm đa dạng sinh học và sự tuyệt chủng hàng loạt đang gia tăng là "tin xấu" với nhân loại và Trái Đất.
Dẫu vậy, chuyên gia này cũng cho rằng vẫn chưa quá muộn để cứu lấy hầu hết các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, và từ đó đảo ngược quá trình tiến đến ngưỡng tuyệt chủng hàng loạt.
"Chúng ta vẫn có cơ hội để xoay chuyển tình thế, nhưng cánh cửa cơ hội cho điều đó đang đóng lại vô cùng nhanh chóng", GS. Barnosky khẳng định.