Đưa chứng khoán vào sách giáo khoa lớp 10 là quá sớm?
Thời gian tới, lứa học sinh lớp 10 (sinh năm 2007) sẽ là khóa đầu tiên được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin xuất hiện trên mạng xã hội và báo chí cho thấy, trong bộ sách giáo khoa mới "Kết nối tri thức và cuộc sống" do NXB Giáo dục ban hành đã đưa vào bài toán về "tiết kiệm và đầu tư" với đề bài có nội dung về chứng khoán.
Theo đó, tình huống được đưa ra như sau: Cô Lan có 511 triệu đồng và dự định đầu tư vào chứng khoán của công ty A. Biểu đồ chứng khoán của công ty A được cho trong hình với những thời điểm khác nhau. Học sinh cần giải đáp câu hỏi, nếu cô Lan bán cổ phiếu ở những thời điểm khác nhau thì tổng số tiền tương ứng thu được lần lượt sẽ ra sao; và nếu cô Lan dùng số tiền đó để gửi tiết kiệm thì số tiền nhận được sẽ như thế nào. Phần hoạt động này cũng yêu cầu học sinh thảo luận xem nhân vật nên chọn kênh đầu tư như thế nào thì hiệu quả nhất.
Thông tin trên đã tạo ra làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt là với những nhà giao dịch chứng khoán (trader). Đây thực ra là những bài toán mà các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán thường xuyên phải tự trả lời, dù vậy, khi đặt ra cho học sinh lớp 10 thì đã có nhiều ý kiến lo ngại. Hiện nay hoạt động đầu tư chứng khoán chỉ bó hẹp trong khoảng 5% dân số, vậy nếu đưa kiến thức chứng khoán vào chương trình phổ thông có quá sớm hay không? Liệu ở độ tuổi học sinh, các em đã tiếp thu được chưa?.
Bản thân người viết, thoạt đầu cũng có suy nghĩ tương tự. Có thể nói, tại Việt Nam, việc đưa kiến thức về chứng khoán, về đầu tư tài chính vào chương trình học lớp 10 là tình huống mới mẻ. Tuy nhiên, mới nhưng chưa hẳn là quá khó.
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế và công nghệ, điều kiện học tập và tiếp xúc xã hội, kiến thức của học sinh lớp 10 khác rất xa so với học sinh lớp 10 của 20 năm, 30 năm về trước. Nếu như trước đây, tài liệu học tập chủ yếu thông qua sách vở bản cứng và phải rất tốn thời gian để lục tìm ở những kho sách tại các thư viện thì ngày nay, một thao tác tìm kiếm trên internet đã mang về rất nhiều câu trả lời, thời gian chưa tới một giây. Sự năng động của học sinh các cấp học phổ thông, đại học cũng khiến không ít bậc phụ huynh ngỡ ngàng khi các em có thể tự thành lập câu lạc bộ, chủ động nghiên cứu khoa học từ rất sớm.
Ở độ tuổi 15, tôi cho rằng học sinh nên được trang bị thêm kiến thức về tài chính cá nhân, về tiền bạc và cách sử dụng, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư. Ở độ tuổi này (thậm chí nhỏ hơn), nhiều gia đình đã cho con cái một khoản "ngân sách tiêu vặt" phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, mua quần áo, sách vở… Vậy, vì sao đã cho con tự quyết chi tiêu lại không dạy con kiến thức về tài chính (bao gồm chu kỳ, vòng quay của tiền, cách thức tiền tạo ra tiền, mối quan hệ giữa tiền và hàng để tạo nên giá trị gia tăng trong cuộc sống…).
Ở trường hợp này, trên tư cách là một phụ huynh, người viết thấy rằng, ban soạn thảo đã rất nỗ lực để làm phong phú thêm kiến thức với học sinh THPT. Việc chuẩn bị kiến thức về tiết kiệm, đầu tư cho học sinh lứa tuổi 15-16 là cần thiết, vì đây là độ tuổi đang rất háo hức và sẵn sàng tiếp cận những yếu tố mới, thông tin mới về đời sống trước ngưỡng cửa cuộc đời, đa phần đã bắt đầu hình thành sự độc lập trong cách tư duy và lối sống.
Việc chuẩn bị kiến thức về tiết kiệm và đầu tư cho học sinh sẽ giúp các em nhận thức, hiểu biết một cách đúng đắn về giá trị lao động và trân trọng hơn sự chu cấp của gia đình trong quá trình học hành, đồng thời cũng tránh được những cám dỗ luôn rình rập như lô đề, cờ bạc, "game" cá độ… Thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất nhiều vụ việc tín dụng đen, cho vay nặng lãi tấn công vào trường học, vì vậy việc chuẩn bị kiến thức cơ bản về tài chính cho các em học sinh càng trở nên cần thiết.
Độ tuổi của học sinh lớp 10 cũng hoàn toàn không còn quá nhỏ để tiếp cận kiến thức về tài chính. Ở nhiều quốc gia, các bậc phụ huynh đã giáo dục con về tài chính từ rất sớm. Một số gia đình mừng tuổi con bằng cổ phiếu, dạy con cách đầu tư vào doanh nghiệp ngay khi còn ở cấp tiểu học.
Mới ít ngày trước, cháu gái vừa học xong lớp 6 đã khoe tôi về việc tự làm các sản phẩm thủ công như thiệp mừng, dây đeo tay, vòng cổ… trong dịp hè để bán cho bạn bè. Trẻ ở độ tuổi tiểu học, mầm non cũng đã thường đặt ra vấn đề về "đắt - rẻ", đã biết so sánh, đã băn khoăn về giá trị của tiền và việc "tiền có thể giúp chúng ta tồn tại như thế nào?", về sự khác nhau giữa các loại hình nghề nghiệp khi tạo ra giá trị. Vậy nên, có lẽ người lớn chúng ta nên dừng suy nghĩ "trẻ con thì biết gì", đừng ngăn cản trẻ tiếp cận sớm về kiến thức tài chính - yếu tố rất quan trọng để hình thành nhân cách sống, thái độ sống về sau.
Việc ngành giáo dục đưa các kiến thức này vào giảng dạy, theo tôi là đáng khuyến khích! Tất nhiên, như đã trình bày ở trên, đây là chủ đề sẽ dẫn đến nhiều góc nhìn khác nhau, nếu bạn đọc có ý kiến khác hãy trao đổi (ở phần bình luận) để chúng ta cùng nhau làm rõ hơn chủ đề này.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!