Thi công nâng cấp quốc lộ 8A gây hư hỏng hơn 150 nhà dân
(Dân trí) - Quá trình thi công quốc lộ 8A ở Hà Tĩnh, nhà thầu sử dụng máy lu chấn động khiến hơn 150 căn nhà bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân cho rằng việc đền bù thực hiện chậm và chưa thỏa đáng.
Thôn Kim Cương 1 (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có hàng loạt nhà dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A.
Nhà nứt nẻ, dân bất an
Nằm cạnh quốc lộ 8A, căn nhà 2 tầng của gia đình ông Trịnh Bá Lữ (51 tuổi, trú thôn Kim Cương 1) là một trong những hộ chịu thiệt hại nặng.
Theo ông Lữ, căn nhà này được vợ chồng xây dựng từ năm 2016 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Vào khoảng tháng 4/2023, đơn vị thi công dùng máy lu nền đường khiến nhà dân dọc tuyến bị rung lắc, đồ đạc dịch chuyển. Ông Lữ và nhiều người dân yêu cầu đơn vị thi công giảm cường độ máy.
Sau đó, ông Lữ kiểm tra, phát hiện nhiều vị trí của căn nhà như tường tại các phòng ngủ, phòng khách, dầm mái xuất hiện hàng loạt vết nứt chân chim. Cùng với đó, trần nhà bị mưa thấm gây ẩm mốc, cầu thang lên tầng 2 xuất hiện vết nứt kéo dài.
"Căn nhà của tôi được xây dựng rất kiên cố nhưng khi họ sử dụng máy lu nền đã làm nứt nẻ ở nhiều vị trí. Thiệt hại lớn như vậy nhưng đầu tháng 5 vừa qua, đại diện dự án thông báo gia đình tôi chỉ được bồi thường hơn 30 triệu đồng. Đây là số tiền quá thấp so với thiệt hại nên gia đình tôi chưa đồng ý nhận", ông Lữ phản ánh.
Gần đó, căn nhà kiên cố của gia đình ông Trần Quốc Hưởng (61 tuổi) bị lún dầm, các vết nứt kéo dài từ mái xuống tường, gây mất an toàn.
"Họ sử dụng 2 máy lu rung với cường độ quá lớn dẫn đến thiệt hại nặng cho chúng tôi. Căn nhà giờ không đảm bảo an toàn nữa, mùa mưa bão nếu chưa sửa xong, có lẽ chúng tôi phải đi nơi khác", ông Hưởng lo lắng.
Cùng chung tình trạng trên, căn nhà của gia đình ông Trần Minh Hưng (62 tuổi) đã hư hỏng nhiều tháng nay khi nền gạch nứt vỡ, lớp gạch ốp lát tường mất kết dính, tường tại nhiều vị trí nứt nẻ.
Điều này khiến gia đình ông Hưng luôn bất an, nhiều hôm không dám sinh hoạt ở phòng khách vì sợ gạch ốp tường có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
"Gia đình tôi được bồi thường chưa đầy 14 triệu đồng, số tiền này quá thấp. Tôi mong chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng tính toán lại, ít nhất số tiền phải đủ cho chúng tôi có kinh phí sửa lại nhà", ông Hưng bày tỏ.
Chủ đầu tư đã cam kết và thực hiện bồi thường thế nào?
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, sau khi sự việc xảy ra, tháng 5/2023, Ban Quản lý dự án 4 (Ban 4) - đơn vị được chủ đầu tư (Cục Đường bộ) giao nhiệm vụ quản lý, điều hành dự án - đã tổ chức cuộc họp với người dân và chính quyền địa phương.
Cơ quan này thừa nhận, nhà thầu sử dụng các thiết bị lu chấn động (lu rung) trong quá trình thi công nền, móng đường gây ảnh hưởng đến nhà ở, công trình kiến trúc ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng của các gia đình hai bên tuyến đường.
Để các hộ dân yên tâm và dự án được tiếp tục triển khai, Ban 4 cam kết sau khi thi công lớp bê tông nhựa thứ nhất sẽ tạm dừng, báo đơn vị bảo hiểm tiến hành đo đạc xác định hư hỏng rồi mới thi công tiếp.
"Thời gian thực hiện bồi thường tổn thất là trong vòng 90 ngày, kể từ ngày thi công xong lớp bê tông nhựa thứ nhất đến ngày trả tiền cho các hộ gia đình đồng ý về mức bồi thường", đại diện chủ đầu tư cam kết.
Theo các hộ dân, mãi đến đầu tháng 5/2024, đơn vị quản lý dự án mới thông báo trả tiền bồi thường.
Trong thông báo chi trả tiền bồi thường không thể hiện rõ số lượng thiệt hại, báo cáo cụ thể nội dung việc áp giá để đảm bảo khách quan. Họ cũng cho rằng số tiền bồi thường quá thấp, chưa tương xứng với thiệt hại nên đa số chưa chấp nhận.
Liên quan đến sự việc, theo đại diện lãnh đạo UBND xã Sơn Kim 1, thống kê cho thấy có hơn 150 hộ dân bị thiệt hại do thi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A. Trong số này, mới chỉ 11 hộ dân ký nhận tiền, còn lại cho rằng không thỏa đáng và chưa làm đúng quy trình.
Vị lãnh đạo xã cũng cho rằng việc triển khai các bước bồi thường tổn thất thiệt hại cho người dân còn chậm và không rõ ràng. Từ đó, địa phương mong muốn cơ quan liên quan kiểm tra lại và sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Quốc lộ 8A có chiều dài hơn 85km, nối từ quốc lộ 1A tại ngã ba Bãi Vọt, thị xã Hồng Lĩnh, đi qua huyện Ðức Thọ, huyện Hương Sơn tới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sang nước bạn Lào. Sau cả thập kỷ khai thác với mật độ xe tải trọng lớn, lưu thông dày đặc và hứng chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, tuyến đường này xuống cấp.
Để khắc phục, tháng 10/2010, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, đoạn Km37 - Km85+300 (từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.660 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công từ năm 2014 đến nay với 11 gói thầu xây lắp.
Vị trí thi công làm hư hỏng nhà dân thuộc đoạn Km59+00 - Km60+500, gói thầu XL8 (Km59+00 - Km67+00).