Tạm dừng biến động tài sản ông Quyết, quyền lợi nhà đầu tư có bị ảnh hưởng?
(Dân trí) - Bạn đọc Dân trí thắc mắc, tạm dừng biến động tài sản là gì? Quyền lợi của những người có liên quan về tài chính với ông Trịnh Văn Quyết có bị ảnh hưởng không?
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phiếu, cổ phần, góp vốn đứng tên cá nhân cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp cùng hai em gái ruột Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Bên cạnh việc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu cơ quan điều tra còn đề nghị tạm dừng biến động giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,... đối với tài sản như bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,... của các cá nhân nêu trên.
Bạn đọc Dân trí thắc mắc: Tạm dừng di biến động tài sản là gì? Khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm dừng biến động tài sản, quyền lợi của những người có liên quan về tài sản với ông Quyết có bị ảnh hưởng không?
Tạm dừng biến động tài sản là gì?
Trả lời vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Tạm dừng biến động tài sản được hiểu là tạm ngưng các giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp tài sản, bất động sản. Đây là một biện pháp tư pháp được áp dụng để phong tỏa, kê biên, ngăn chặn các hành vi trốn tránh nghĩa vụ bồi thường, tẩu tán tài sản, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự.
Trong các vụ án hình sự, thời hạn tạm dừng biến động tài sản được áp dụng cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết xong vụ án, hoặc giải quyết xong các yêu cầu của đương sự, hoặc khi thấy các quyết định tạm dừng là không có căn cứ, không còn cần thiết.
Theo Điều 114 Bộ luật TTDS, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự gồm: Kê biên tài sản đang tranh chấp; Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng; Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu…
Cá nhân, tổ chức chỉ bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản khi họ đang là người bị bắt, là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự; là đương sự như nguyên đơn, bị đơn, người liên quan trong vụ án dân sự.
Giải quyết thế nào với quyền lợi những người có liên quan?
Bộ luật Dân sự năm 2015, tại điều 194 về Quyền định đoạt của chủ sở hữu quy định: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Tuy nhiên quyền này có thể bị bạn chế theo quy định tại điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
Trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm dừng biến động tài sản như đất đai, cổ phần, cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết và người thân; đề nghị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan CSĐT về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên cá nhân và các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC.
Điều trên thể hiện CSĐT đã xác định các tài sản đứng tên cá nhân và các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC là vật chứng của vụ án.
Theo điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự xác định: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Việc bảo quản vật chứng phải phù hợp với quy định tại điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự được quy định như sau:
Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Việc bảo quản vật chứng được thực hiện như sau:
a) Vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng được thực hiện theo quy định của Chính phủ;
b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;
Như vậy, theo các quyết định hành chính, tư pháp thì những tài sản trên không thể thực hiện chuyển dịch hợp pháp.
Luật sư Lực cũng cho biết, trường hợp có một số chủ thể hiện nay có liên quan về tài sản đến ông Trịnh Văn Quyết mà khối tài sản này đang bị tạm dừng di biến động tài sản, nếu có bằng chứng hợp pháp chứng minh các tài sản này không phải vật chứng vụ án của ông Trịnh Văn Quyết thì hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính dỡ bỏ những hạn chế về việc dừng đăng ký biến động tài sản đó.