Đủ tuổi hưu nhưng mới tham gia bảo hiểm 5 năm có được hưởng lương hưu?
(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam tư vấn cho người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu năm tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu sau này.
Gửi câu hỏi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bạn đọc có email: parkjihoon1xxx@gmail.com hỏi: "Bố tôi (nam, sinh tháng 4/1975), đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2022.
Hiện, do không còn làm việc ở công ty nữa, bố tôi muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng (tính từ tháng 5/2024). Như vậy, bố tôi phải đóng bao nhiêu năm mới được lãnh lương hưu?".
Về tuổi nghỉ hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.
Trường hợp bố của bạn sinh tháng 4/1975 thì tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi. Hiện nay, bố của bạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2022 (4 năm 6 tháng). Để được hưởng lương hưu theo quy định hiện hành, bố của bạn cần tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ít nhất là 15 năm 6 tháng cho đủ 20 năm.
Tại thời điểm bố của bạn đủ 62 tuổi và đã đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ diễn biến tiền lương của toàn bộ thời gian đóng thể hiện trên sổ và quy định của chính sách bảo hiểm xã hội để tính mức hưởng lương hưu.
Việc tính toán cụ thể mức lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: diễn biến mức tiền lượng, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng lương hưu, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội,…
Về mức hưởng lương hưu, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm từ năm 2022 trở đi được tính 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo khoản 3 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 3 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
Trong đó, tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bằng tích số giữa tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định.
Trường hợp người lao động có từ 2 giai đoạn trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo quy định.
Trong đó, tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.